Điều đó cũng hứa hẹn cổ phiếu nhóm ngành ngân hàng có khả năng chuẩn bị bước vào chu kỳ thăng hoa mới.
Ngân hàng ồ ạt tăng vốn
Tại Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) OCB vừa diễn ra sáng nay, 28-4, ông Trịnh Văn Tuấn - Chủ tịch HĐQT OCB đã trình cổ đông thông qua mức chia cổ tức năm 2020 với tỷ lệ 25% bằng cổ phiếu từ lợi nhuận để lại năm 2020 là hơn 2.739 tỉ đồng, tương đương mức chia cổ tức của năm trước.
Cùng với đó, OCB dự kiến tăng vốn điều lệ thông qua hai phương án khác là bán cổ phiếu cho người lao động (ESOP) là 50 tỉ đồng và phát hành cổ phiếu riêng lẻ là 700 tỉ đồng. Qua đó, nâng vốn điều lệ OCB từ 10.959 tỉ đồng lên 14.449 tỉ đồng, tương đương tăng 32%.
Nói về mục đích sử dụng vốn, lãnh đạo OCB cho biết sẽ dùng hơn 2.620 tỉ đồng bổ sung nguồn vốn kinh doanh, đầu tư và cho vay; còn lại đầu tư CNTT, nâng cấp tài sản, xây dựng cơ bản…
Tương tự, cổ đông ngân hàng Quân đội (MB) mới đây cũng đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 27.987 tỉ đồng lên mức 38.675 tỉ đồng nhằm nâng cao năng lực tài chính, khả năng cạnh tranh cũng như khả năng quản trị rủi ro trong hoạt động ngân hàng.
Với mức tăng vốn điều lệ thêm hơn 10.600 tỉ lên 38.675 tỉ đồng, tức tăng tới 38%, MB được xem là ngân hàng có kế hoạch tăng vốn mạnh nhất trong năm nay. Ngoài ra, với kết quả kinh doanh khả quan năm 2020, MB dự kiến chi trả cổ tức cho cổ đông ở mức 35% bằng cổ phiếu.
Tại ĐHCĐ thường niên 2021 vừa diễn ra vào đầu tháng 4, ngân hàng ACB cũng đã trình cổ đông thông qua tỉ lệ cổ tức 2020 ở mức 25% bằng cổ phiếu để tăng vốn lên 27.019 tỉ đồng.
Ngân hàng BIDV cũng dự kiến phương án tăng vốn điều lệ lên mức 48.524 tỉ đồng trong năm 2021, tương đương tăng vốn thêm 8.304 tỉ đồng...
Liệu cổ phiếu ngân hàng có cơ hội toả sáng?
Mê cổ phiếu hơn cổ tức
Ngay cả với ngân hàng đang trong quá trình tái cơ cấu, cổ đông dù không được chia cổ tức nhưng không tỏ ra bức xúc. Lý do là chỉ trong một năm qua thị trường giá cổ phiếu ngành ngân hàng tăng vùn vụt.
Đơn cử như tại Sacombank, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT cho biết: HĐQT đang nỗ lực tái cơ cấu, để làm sao lộ trình tái cơ cấu thành công trong 5 năm như dự kiến.
Sau khi hoàn thành tái cơ cấu trong năm 2022, Sacombank dự kiến bán 32,5% vốn cổ phần cho hai đối tác nước ngoài và xin Ngân hàng Nhà nước chấp thuận phương án chia cổ tức cho cổ đông.
Cho dù nắm giữ cổ phần của ngân hàng Sacombank và nhiều năm nay chưa một lần được nếm mùi chia cổ tức nhưng những cổ đông kỳ cựu tham dự tại ĐHCĐ Sacombank 2021 không tỏ ra bực bội như những năm trước, bởi lẽ thị giá cổ phiếu của nhà băng này trong năm qua cũng tăng khá mạnh.
Thực tế cho thấy không riêng gì Sacombank mà nhóm cổ phiếu ngân hàng nói chung đã có những tăng trưởng tích cực trong khoảng 1 năm gần đây. Nhiều cổ phiếu có mức tăng trưởng ấn tượng từ 50% lên đến vài trăm phần trăm chỉ trong một năm qua.
Chẳng hạn, so với một năm trước, hiện cổ phiếu ngân hàng Việt Nam Quốc tế (mã VIB), ngân hàng Quân đội (mã MBB), ngân hàng Phát triển TP.HCM (mã HDB) đều đã tăng 120%.
Thậm chí, cùng thời điểm một năm trước thì so với giá giao dịch ngày hôm nay cổ phiếu Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (mã STB) đã tăng tới 170% còn cổ phiếu của Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (mã VPB) đã tăng tới 220%.
Ngay như ngân hàng còn đang chịu nhiều lục đục trong nội bộ như Ngân hàng Xuất nhập khấu Việt Nam (mã EIB) cũng ghi nhận mức tăng lên đến 74%.
Theo đó, cùng với việc các ngân hàng đang lên kế hoạch tăng vốn nhằm tạo điều kiện để phát triển bền vững hơn thì có lẽ cổ phiếu nhóm ngành ngân hàng vẫn được xem mặt hàng hấp dẫn đối với các nhà đầu tư tổ chức cũng như cá nhân.
Tuy nhiên, vấn đề về nợ xấu vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho lợi nhuận của các ngân hàng trong các năm tới. Do đó, việc lựa chọn cổ phiếu không chỉ đi theo tâm lý bầy đàn mà cần phải quan tâm đến kết quả kinh doanh, triển vọng tương lai, bán vốn cho nước ngoài… trước khi rót tiền.