Sếp Sacombank nói về tin đồn sáp nhập với LienVietPostBank

Sáng 23-4, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - STB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021.

Báo cáo tại đại hội, lãnh đạo Sacombank cho biết, năm 2020, tổng tài sản Sacombank đạt 492.516 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm, hoàn thành 99% kế hoạch. Tỷ lệ nợ xấu giảm xuống 1,64%. Tổng nguồn vốn huy động đạt gần 447.369 tỷ đồng, tăng 8%.

Tổng dư nợ tín dụng đạt hơn 340.572 tỷ đồng, tăng 15% - tối đa chỉ tiêu cho phép của NHNN. Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 3.339 tỷ đồng, đạt được 130% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế 2.682 tỷ đồng, tăng 9,3%.

Theo đề án tái cơ cấu Sacombank sau sáp nhập (lộ trình đến 2025), Sacombank chỉ được thực hiện chi trả cổ tức cho cổ đông sau khi được NHNN Việt Nam chấp thuận. Từ năm 2019, HĐQT đã đề xuất, kiến nghị với NHNN về phương án trả cổ tức từ lợi nhuận giữ lại phù hợp kết quả tài chính hàng năm. Đến nay Sacombank vẫn đang chờ sự phê duyệt của NHNN để triển khai thực hiện.

Năm 2021, ngân hàng đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 8% lên 533.300 tỷ đồng; nguồn vốn huy động đạt 485.500 tỷ, tăng 9%; dư nợ tín dụng đạt 372.000 tỷ, tăng 9%. Đồng thời lãnh đạo nhà băng cũng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế trong năm nay đạt 4.000 tỷ đồng, tăng 20%. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%. Hiện ngân hàng có nguồn lợi nhuận giữ lại hơn 6.000 tỷ đồng và dự kiến sử dụng để chia cổ tức bằng cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ, hiện đang chờ sự phê duyệt của NHNN.

Lãnh đạo Sacombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế trong năm 2021 đạt 4.000 tỷ đồng, tăng 20% so với năm ngoái.

Trả lời chất vấn của cổ đông về tin đồn sáp nhập LienVietPostBank (LPB) vào Sacombank (STB) cũng như mối liên hệ giữa hai ngân hàng này, ông Dương Công Minh – Chủ tịch HĐQT Sacombank cho biết: "Tôi yêu quý cả hai ngân hàng. Có thể ví von LienVietPostBank là con đẻ của tôi nhưng tôi đã gả chồng từ lâu, còn Sacombank là con dâu tôi mới cưới về - con dâu sinh con cháu mang họ của mình – hay nói cách khác Sacombank mới là ngân hàng mang lại lợi nhuận cho tôi. Do đó công việc của tôi là tập trung cho sự phát triển của Sacombank".

Bên cạnh đó, câu chuyện mong muốn được chia cổ tức cũng là vấn đề được nhiều quan tâm. Tuy nhiên, ông Dương Công Minh cho biết: Do Sacombank đang trong lộ trình tái cơ cấu nên phải tập trung nguồn lực để xử lý nợ xấu. Hiện Sacombank đang ở năm thứ 4 của lộ trình tái cơ cấu vaf HĐQT cố gắng tái cơ cấu thành công trong 5 năm. Do đó, dự kiến đến năm 2022 khi tái cơ cấu thành công, thì đến 2023 sẽ có thể chia cổ tức. Tương tự, kế hoạch bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài chỉ được giải quyết khi tái cơ cấu thành công.

So với một năm trước, giá cổ phiếu Sacombank (STB) đã tăng 150%, từ vùng 9.000 đồng/cp lên quanh ngưỡng 21.300 đồng/cp (ngày 23-4).

Trả lời câu hỏi của cổ đông về kết quả kinh doanh quý 1/2021, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank cho biết, đến cuối tháng 3/2021 huy động vốn của Sacombank tăng trên 3,5%, cho vay chạm room tín dụng đạt 5,8%, thu dịch vụ trên 1.200 tỷ đồng. Xử lý nợ xấu trong 4 tháng đạt 2.280 tỷ đồng. Lợi nhuận đạt 25% kế hoạch, tương đương 1.000 tỷ đồng.

Bà Diễm cho biết thêm: Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, thị trường bất động sản kém linh hoạt khiến cho công tác xử lý nợ xấu gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Sacombank vẫn quyết liệt thu hồi nợ xấu và xử lý tài sản tồn đọng vượt mục tiêu, góp phần lành mạnh hóa tình hình tài chính. 

Báo cáo về đề án thực hiện tái cơ cấu đến năm 2025, bà Diễm cho biết: Doanh số thu hồi và xử lý nợ trong năm 2020 là hơn 15.200 tỷ đồng. Trong đó, đã thu hồi 8.200 tỉ đồng các khoản thuộc đề án, nâng mức thu hồi lũy kế từ khi triển khai đề án lên 46.547 tỷ đồng, đạt 54,2% kế hoạch tổng thể đề án đến năm 2025, vượt 4,2% tiến độ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm