"Rơi thẳng đứng" là kết luận ngắn gọn của giới đầu tư để nói về thị trường chứng khoán phiên giao dịch hôm nay (25-4).
Nhiều nhà đầu tư không thể tin vào mắt mình với phiên giao dịch buổi chiều giảm điểm rất lớn trên thị trường, có thời điểm rớt gần chạm mốc 80 điểm. Thông thường, phiên sáng rớt mạnh thì phiên chiều có khả năng dòng tiền lao vào bắt đáy để tạo lực đỡ. Thế nhưng hôm nay không có lực cầu nào bắt đáy khiến thị trường tuột dốc.
Thực tế, trong tuần qua thị trường chứng khoán không có nhiều tín hiệu tích cực. Hàng loạt phiên giảm điểm đã xóa bỏ những thành quả tạo lập trước đó. Thị trường lần lượt mất mốc 1.500 điểm, 1.400 điểm và cho đến phiên hôm nay áp sát mức 1.300 điểm.
Trước hết, hôm nay thị trường chứng khoán Việt Nam bị ảnh hưởng bởi thị trường chứng khoán toàn cầu lao dốc mạnh. Đặc biệt chỉ số Dow Jones giảm gần 1.000 điểm phiên hôm nay, mức rớt điểm thấp nhất kể từ tháng 10-2020.
Thị trường toàn cầu bị ảnh hưởng bởi khẳng định của ông Jerome Powell, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng lãi suất mạnh, cụ thể là tăng thêm 0,5% vào tháng 5 này.
Thị trường chứng khoán Việt Nam còn bị ảnh hưởng bởi giải chấp cổ phiếu (call margin). Thị trường càng rớt điểm, call margin càng mạnh, tác động tiêu cực đến hàng loạt cổ phiếu. Phiên hôm nay có lúc VN Index có đến 460 cổ phiếu giảm điểm. Ngay cả những cổ phiếu bluechip cũng không thoát việc giảm điểm.
Theo các chuyên gia, đây là thời điểm khó khăn của thị trường chứng khoán Việt Nam. Thị trường đã tăng điểm một thời gian dài nên buộc sẽ phải điều chỉnh. Lượng margin quá cao đã đẩy nhiều cổ phiếu vượt quá giá trị thực khiến quay đầu giảm điểm càng mạnh khi bị giải chấp. Nhà đầu tư cá nhân chiếm đến 80% thị trường đã dẫn đến tâm lý đám đông bán tháo khi thị trường giảm điểm.
Kết phiên giao dịch ngày 25-4, VN Index mất 68 điểm rớt xuống 1.310,92, với 443 cổ phiếu giảm điểm.
Tuy nhiên, thị trường còn nhiều điểm tích cực. Hôm nay nhà đầu tư nước ngoài vẫn mua ròng lên đến 2.100 tỉ đồng. Giá trị thanh khoản thị trường vẫn đạt gần 1 tỉ USD.
Trong trung và dài hạn, nền tảng kinh tế Việt Nam vẫn ổn định, tăng trưởng tốt. Các doanh nghiệp Việt đang quay trở lại phục hồi kinh doanh và đã vạch kế hoạch tăng trưởng mạnh hậu dịch bệnh. Đây là nền tảng hỗ trợ thị trường chứng khoán vẫn phát triển lạc quan.