Một quy định thiếu hợp lý, BHXH phải bỏ ra 219,5 tỉ đồng

Bộ LĐ-TB&XH vừa hoàn thành dự thảo và có văn bản xin ý kiến cho tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị ban hành nghị quyết của Quốc hội giao Chính phủ thực hiện điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ nghỉ hưu từ  ngày 1-1-2018.

Theo đó, đối với lao động nữ nghỉ hưu từ đầu năm 2018 bị giảm 2%-10% lương hưu sẽ được điều chỉnh trên nguyên tắc trực tiếp vào lương hưu. Mức điều chỉnh bảo đảm nguyên tắc “bù đủ” số tiền chênh lệch lương hưu nếu tính theo quy định tại khoản 2 Điều 56 và khoản 2 Điều 74 của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) (không có lộ trình) so với nếu thực hiện theo lộ trình như nam giới.

Nếu như được thông qua, BHXH Việt Nam sẽ phải bỏ ra hơn 219 tỉ đồng để bù cho một quy định của Luật BHXH. Ảnh: Internet

Cụ thể, sẽ bù vào tỉ lệ hưởng lương hưu lần lượt cho lao động nữ nghỉ hưu năm 2018 là 8%; năm 2019 là 6%; năm 2020 là 4%; năm 2021 là 2% và từ năm 2022 thì không được bù vì kết thúc lộ trình như nam giới.

Tuy nhiên, Bộ LĐ-TB&XH cho biết cách tính nêu trên mới chỉ là bù vào tỉ lệ hưởng lương hưu. Nếu điều chỉnh vào lương hưu thì phải tính bù ở một mức cao hơn, tương ứng bằng 12,31% nếu bắt đầu hưởng lương hưu trong năm 2018. Trường hợp bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn tiếp theo, mức điều chỉnh tương ứng là: Năm 2018 là 9,23%; năm 2020 là 6,15% và năm 2021 là 3,08%.

Theo báo cáo ngày 8-5, Bộ LĐ-TB&XH cho biết qua báo cáo của BHXH Việt Nam thì số lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2021 mà có từ 20 năm đến 29 năm 6 tháng đóng BHXH là khoảng gần 91,6 ngàn người. Như vậy, việc thực hiện điều chỉnh lương hưu theo phương án nêu trên thì trong giai đoạn từ năm 2018 đến 2021 sẽ phát sinh nhu cầu kinh phí khoảng 219,5 tỉ đồng.

Như đã thông tin, theo quy định Luật BHXH năm 2014, từ ngày 1-1-2018, để đạt tỉ lệ hưởng tối đa 75% thì lao động nữ đủ 55 tuổi, nghỉ hưu từ ngày 1-1-2018 trở đi phải đủ 30 năm đóng BHXH mới được hưởng tối đa 75% (hiện nay chỉ cần đủ 25 năm).

Đối với lao động nam, nghỉ hưu năm 2018 phải đủ 31 năm đóng BHXH, nghỉ năm 2019 phải đủ 32 năm, nghỉ năm 2020 phải đủ 33 năm, nghỉ năm 2021 phải đủ 34 năm và nghỉ từ năm 2022 trở đi phải đủ 35 năm đóng BHXH mới được hưởng tỉ lệ tối đa là 75% (hiện nay chỉ cần đủ 30 năm). Như vậy, việc điều chỉnh tỉ lệ hưởng lương hưu đối với lao động nam có lộ trình trong năm năm, còn lao động nữ thì không có lộ trình.

Theo BHXH Việt Nam, năm 2018 có khoảng 50.000 lao động nữ nghỉ hưu đúng tuổi 55 (chưa tính số lao động nghỉ hưu trước tuổi) và cách tính lương hưu mới sẽ tác động đến khoảng 21.000 lao động nữ (chiếm 43%). Trong đó có 4.000 người bị giảm lương hưu 5%-10%.

Để khắc phục việc giảm lương đột ngột đối với lao động nữ, Bộ LĐ-TB&XH đã từng trình Chính phủ nhiều phương án, trong đó có việc sửa Luật BHXH (dù mới ban hành năm 2014) theo hướng đưa ra lộ trình như nam giới. Tuy nhiên, sau khi xem xét, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến không đưa ra Quốc hội mà điều chỉnh "bù" trong đợt tăng lương hưu hằng năm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới