Đó là giải pháp thiết kế của tác giả Nguyễn Việt Tiến (ĐH Kiến trúc Đà Nẵng) đã được trao giải đặc biệt trong cuộc thi “Giải pháp nhà ở cho vùng thiên tai” do TOTO Việt Nam, TOTO Gallery MA phối hợp với các trường ĐH có đào tạo ngành kiến trúc tổ chức năm 2017. Cuộc thi đã thu hút đông đảo sinh viên các trường kiến trúc sôi nổi tham gia.
Kiến trúc sư Shigeru Ban trao giải cho các tác giả đoạt giải cuộc thi "Giải pháp nhà ở cho vùng thiên tai".
Giải thưởng đặc biệt này do kiến trúc sư nổi tiếng nhất Nhật Bản Shigeru Ban lựa chọn và trao tặng. Shigeru Ban là người đã từng được giao giải Priztker năm 2014 (giải Priztker được xem là giải Nobel trong ngành kiến trúc).
Tối 2-12, ban giám khảo đã trao các giải cho các nhóm sinh viên đạt giải cao trong số 10 tác phẩm vào chung kết trong sự kiện “Kiến trúc và hoạt động vị nhân sinh”. Trong đó, tác phẩm “Nhà tạm bợ” của tác giả Nguyễn Việt Tiến (ĐH Kiến trúc Đà Nẵng) gây chú ý và được trao giải đặc biệt do sự sáng tạo, linh động, dễ thực hiện đối với việc dựng lại chỗ ở cho người dân vùng thiên tai. Nhà ở được thiết kế bằng vật liệu rất dễ mua là các giàn giáo làm bằng sắt, khi ráp lại như mô hình thiết kế là đã thành một căn nhà tạm. Sau đó có thể sử dụng lại nhiều lần hoặc tái sử dụng vào việc khác.
Ông Shigeru Ban bày tỏ: “Ý tưởng sử dụng vật liệu tái chế cho các công trình vùng thiên tai đã được tôi áp dụng trong 30 năm qua. Những vật liệu này vừa dễ kiếm vừa bảo vệ môi trường”. Ông cũng đã theo đuổi việc giúp đỡ cho người dân vô gia cư vùng thiên tai bằng các thiết kế độc đáo, rẻ tiền, dễ ứng dụng suốt nhiều năm qua với triết lý “Kiến trúc vị nhân sinh”.
Ông Nguyễn Thư Phong, Chủ tịch CLB Kiến trúc sư trẻ Việt Nam, bày tỏ: “Ông Shigeru Ban là người gây cảm hứng rất lớn cho giới kiến trúc sư chúng tôi. Những hoạt động của ông nhắc nhở tôi về trách nhiệm với cộng đồng và bảo vệ môi trường”.
Tác phẩm "Nhà tạm bợ" đoạt giải đặc biệt.
"Nhà tạm bợ" được làm từ giàn giáo xây dựng và các tấm đan tre, rất dễ tìm mua ở mọi miền Việt Nam. Nhà này dễ làm, nhanh chóng, sau đó có thể tái sử dụng.
"Nhà tạm bợ" không chỉ giản tiện, dễ làm, thân thiện môi trường mà còn có tính thẩm mỹ và mang bản sắc Việt Nam.