Còn lại hai người là Ủy viên Trung ương - gồm Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị và Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Sơn Minh Thăng đi theo chế độ điều động, phân công của Bộ Chính trị.
Trong 25 trường hợp được Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ định về địa phương giữ chức vụ phó bí thư tỉnh, thành ủy thì 19 người đang giữ chức vụ thứ trưởng và tương đương, tức là ngang bằng với chức vụ nắm giữ sau luân chuyển. Còn lại là những trường hợp đặc biệt, mới chỉ là cán bộ cấp vụ, tổng cục.
Đó là Thiếu tướng Trần Quốc Tỏ, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm được luân chuyển về Tỉnh ủy Thái Nguyên; ông Trần Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của QH đi Tỉnh ủy Hải Dương; ông Trần Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Đơn thư – tiếp đảng viên và công dân thuộc Ủy ban Kiểm tra trung ương về Quảng Ngãi; ông Đỗ Ngọc An, Vụ trưởng Vụ Địa phương I, Ban Tổ chức trung ương lên Lai Châu; hai bí thư Trung ương Đoàn là ông Dương Văn An, bà Nguyễn Thị Hà đi Bình Thuận, Bắc Ninh. Với những trường hợp ấy, luân chuyển không đơn thuần chỉ là về địa phương để học hỏi, lấy kinh nghiệm thực tế, mà còn là một bước thăng tiên về chức vụ.
Với 19 trường hợp còn lại được Trung ương chỉ định tham gia ban chấp hành đảng bộ các tỉnh thành và giới thiệu để bầu giữ chức vụ phó chủ tịch UBND, thì ngoài một trường hợp là ông Lê Hồng Sơn, hiện là Thứ trưởng Bộ Tư pháp (về Hà Nội), còn lại đều giữ chức vụ trưởng, cục trưởng và tương đương ở các cơ quan của CP hoặc ban đảng trung ương. Không có sự khác biệt lớn lắm giữa hai chức vụ trước và sau luân chuyển, nhưng với họ, đây sẽ là trải nghiệm quan trọng, qua đó chứng minh năng lực, để có thể được nắm giữ chức vụ cao hơn sau này.
Trong 44 cán bộ được luân chuyển lần này, hầu hết chỉ về nắm giữ một chức vụ ở địa phương (phó bí thư hoặc phó chủ tịch). Duy nhất một trường hợp là ông Nguyễn Thanh Nghị, Ủy viên Trung ương (dự khuyết) được điều động về Kiên Giang, vừa giữ chức Phó bí thư, vừa giới thiệu để HĐND tỉnh bầu làm phó chủ tịch UBND cho đến hết nhiệm kỳ, 2016.