Căn cứ vào định hướng chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải, TP đã tổ chức lại phân loại rác tại nguồn thành hai loại là nhóm chất thải tái chế và nhóm chất thải còn lại.
Về vấn đề chuyển đổi phương tiện thu gom rác, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong thống nhất đề xuất của Sở TN&MT về phân kỳ gia hạn thời gian chuyển đổi phương tiện đến năm 2025.
Điều chỉnh cách phân loại rác
Liên quan đến vấn đề phân loại rác thải theo quy định, nhằm thu hút đầu tư công nghệ xử lý chất thải, UBND TP.HCM chấp thuận điều chỉnh phương pháp phân loại chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố thành hai nhóm: Nhóm chất thải có thể tái chế và nhóm chất thải còn lại.
Theo đó, nhóm chất thải có thể tái chế được thu gom vào thứ Bảy hoặc Chủ nhật tùy vào điều kiện thực tế của từng địa phương và được chuyển giao cho các nhà máy tái chế. Nhóm chất thải còn lại được thu gom hằng ngày và chuyển giao về các nhà máy xử lý tập trung như đang thực hiện như hiện nay.
Trước đó, theo Quyết định 44/2018/QĐ-UBND, chất thải rắn sinh hoạt được phân loại tại nguồn phù hợp với mục đích quản lý, xử lý thành các nhóm như sau: nhóm chất thải hữu cơ dễ phân hủy (thức ăn thừa, lá cây, rau, củ quả…); nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế (giấy, nhựa, kim loại, cao su, nylon…); nhóm chất thải còn lại (không bao gồm chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, chủ nguồn thải).
Gia hạn thời gian chuyển đổi phương tiện thu gom rác
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cũng vừa có ý kiến kết luận liên quan vấn đề chuyển đổi phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt. Theo đó, thống nhất đề xuất của Sở TN&MT về phân kỳ gia hạn thời gian chuyển đổi phương tiện đến năm 2025.
UBND TP.HCM chấp thuận gia hạn thời gian chuyển đổi phương tiện thu gom rác đến năm 2025.
Cụ thể, giai đoạn 2020-2021, 100% các quận nội thành và khuyến khích một số huyện ngoại thành hoàn tất công tác sắp xếp lại đường dây thu gom rác dân lập (trong vòng một năm) nhằm tránh việc đầu tư lãng phí nhiều thùng rác 660 lít dẫn đến không có chỗ để và đảm bảo hiệu quả đầu tư phương tiện. Xác định số lượng phương tiện cần chuyển đổi; triển khai chuyển đổi phương tiện theo hình thức cuốn chiếu, đảm bảo hoàn tất trong một năm tiếp theo.
Giai đoạn 2022-2025, các huyện ngoại thành còn lại phải chuyển đổi phương tiện để đảm bảo hoàn tất công tác này trên toàn địa bàn thành phố.
Trước đó, thành phố yêu cầu đến ngày 31-10-2019, UBND các quận, huyện phải hoàn thành công tác chuyển đổi phương tiện này. Tuy nhiên, việc chuyển đổi phương tiện hiện đang gặp một số khó khăn như hiện có một số lực lượng thu gom rác dân lập có quy mô nhỏ, không đủ khả năng tài chính để chuyển đổi phương tiện. Ngoài ra, nguồn vốn còn lại của Quỹ Bảo vệ môi trường không đủ đáp ứng nhu cầu vay của các đơn vị…
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, lãnh đạo thành phố đã đồng ý gia hạn thời gian chuyển đổi phương tiện thu gom, vận chuyển rác nhằm phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay. Hiện Sở TN&MT cũng đã trình UBND TP.HCM các nhóm chính sách cụ thể để các tổ và đường dây rác dân lập thấy rằng việc chuyển đổi lên hợp tác xã/doanh nghiệp là có lợi. “TP đã đồng ý bổ sung vốn cho Quỹ Bảo vệ môi trường nhằm giúp việc cho vay để chuyển đổi phương tiện. Thời gian cho vay nâng lên bảy năm” - ông Thắng nói. |