Một tình tiết giảm nhẹ, hai cách hiểu

Chiều 31-12-2014, Lê Hoàng Nữ chạy xe máy chở Nguyễn Chí Bảo đi trên đường Huỳnh Thúc Kháng (quận 1, TP.HCM). Thấy bà Holly Kathlee Bramble Wang (quốc tịch Mỹ) đi bộ dưới lòng đường, cầm túi xách (bên trong có 2,5 triệu đồng, điện thoại iPhone, giấy tờ tùy thân), cả hai nảy sinh ý định cướp giật.

Các HĐXX vận dụng khác nhau

Sau đó, Nữ dừng xe cho Bảo xuống giật túi xách của nạn nhân. Lúc này, công an phường và một thanh niên xung phong chứng kiến sự việc đã truy đuổi Nữ, Bảo đến ngã tư đường Huỳnh Thúc Kháng - Pasteur thì bắt được Bảo cùng tang vật. Nữ chạy bộ tẩu thoát nhưng ba ngày sau cũng bị bắt.

Mới đây TAND TP.HCM đã xử sơ thẩm, phạt Nữ và Bảo mỗi người một năm tù về tội cướp giật tài sản. Tại phiên xử, luật sư của Nữ đề nghị tòa vận dụng tình tiết “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” (điểm h Điều 46 BLHS) để xem xét giảm nhẹ cho Nữ. Tuy nhiên, HĐXX đã bác đề nghị của luật sư. Theo HĐXX, Nữ bị truy tố, xét xử theo khoản 1 Điều 136 BLHS (mức cao nhất của khung hình phạt đến năm năm tù), là tội phạm nghiêm trọng nên không thuộc trường hợp ít nghiêm trọng.

Trong một vụ án khác, TAND TP.HCM xử phúc thẩm lại có đánh giá khác về tình tiết phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng.

Tối 5-8-2014, Hồ Minh Tiến và Lê Văn Lập ngồi nhậu tại nhà Tiến ở xã Lê Minh Xuân (Bình Chánh) thì ông Lê Quang Trí bán đĩa dạo chạy xe ba gác máy ngang qua nhìn vào. Do ông Trí hay nhìn vào nhà, Tiến nghi ông này... nhìn vợ mình nên rủ Lập đánh dằn mặt rồi lấy xe máy chở Lập đuổi theo. Đuổi được một đoạn, Tiến rủ Lập chiếm đoạt đĩa nhạc của ông Trí, Lập đồng ý. Tiến bèn cho xe áp sát xe ông Trí để Lập giật lấy năm chiếc đĩa nhạc rồi tăng ga bỏ chạy.

Chạy được 300 m, Tiến lại rủ Lập dừng xe chặn đường đánh ông Trí. Khi ông Trí đến, Lập chặn lại rồi cùng Tiến tra hỏi vì sao ông Trí hay nhìn vào nhà Tiến. Ông Trí giải thích do mở nhạc lớn nên phải nhìn xung quanh mới biết có ai muốn mua không. Dù vậy, Tiến vẫn dùng cây đánh, Lập dùng chân đá ông Trí. Ông Trí hoảng sợ bỏ chạy, Tiến và Lập lấy thêm 15 đĩa nhạc của ông Trí. Tổng giá trị của 20 đĩa nhạc mà Tiến, Lập cướp giật và cướp của ông Trí là 200.000 đồng.

 
Bị cáo Lê Văn Lập sau phiên xử phúc thẩm của TAND TP.HCM. Ảnh: H.YẾN

Tiến và Lập bị truy tố, xét xử về tội cướp giật tài sản theo khoản 2 Điều 136 BLHS (mức cao nhất của khung hình phạt đến 10 năm tù) và tội cướp tài sản theo khoản 2 Điều 133 BLHS (mức cao nhất của khung hình phạt đến 15 năm tù). Theo luật, hai hành vi cướp giật và cướp của Tiến và Lập đều là tội phạm rất nghiêm trọng (mức cao nhất của khung hình phạt đến 15 năm tù) nhưng HĐXX phúc thẩm vẫn nhận định đây là “trường hợp ít nghiêm trọng”. Từ đó, HĐXX phúc thẩm đã xem xét với một số tình tiết giảm nhẹ khác, chấp nhận kháng cáo, giảm án cho Lập từ bốn năm tù xuống còn ba năm tù (Tiến bị tòa sơ thẩm phạt tổng cộng sáu năm tù nhưng không kháng cáo).

Hiểu sao mới đúng?

Từ hai vụ án trên, có thể thấy đã có cách hiểu khác nhau về phạm tội “thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”: HĐXX trong vụ án thứ nhất đánh đồng khái niệm này với khái niệm “tội phạm ít nghiêm trọng” (mức cao nhất của khung hình phạt đến ba năm tù). HĐXX trong vụ án thứ hai thì tự đánh giá chứ không căn cứ vào tội phạm ít nghiêm trọng hay nghiêm trọng, rất nghiêm trọng...

Theo một thẩm phán có nhiều kinh nghiệm xử án hình sự ở TP.HCM, phạm tội “thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” được xác định bao gồm các trường hợp tội phạm ít nghiêm trọng và các trường hợp tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng nhưng vai trò của người phạm tội ít nghiêm trọng (thường là đồng phạm). Nếu tòa chỉ đơn thuần kết luận vì hành vi của bị cáo là tội phạm nghiêm trọng trở lên mà không cho bị cáo hưởng tình tiết phạm tội “thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” là chưa chuẩn xác.

Đồng tình, TS Phan Anh Tuấn (Trưởng bộ môn Luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM) cũng cho rằng tiêu chí để xem xét bị cáo có được hưởng tình tiết giảm nhẹ này hay không là vai trò của bị cáo trong vụ án chứ không phải là hành vi của bị cáo thuộc loại tội phạm gì. Thông thường phạm tội “thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” là người phạm tội ở vị trí, vai trò thứ yếu (bị rủ rê, lôi kéo, là đồng phạm), tác hại gây ra không lớn, thái độ khai báo thành khẩn, ăn năn hối lỗi... “Trường hợp ít nghiêm trọng” có thể hiểu là nguy hiểm ít hơn bình thường, thường tập trung ở bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ.

Tòa dưới, tòa trên cũng “chỏi” nhau

Ngày 22-2-2010, nghe tin con cãi nhau với người khác, Lý Thanh Đạm chạy đến to tiếng chửi bới, rượt đánh người kia. Công an đến can thiệp, Đạm vẫn chửi mắng nạn nhân rất thô tục. Sau khi bỏ về, chưa hả giận, Đạm quay lại tiếp tục chửi bới. Sáng hôm sau, Đạm còn đến đập phá đồ đạc của nạn nhân, mắng mỏ... khiến nạn nhân không dám mở cửa nhà. Sau đó, nạn nhân làm đơn yêu cầu khởi tố Đạm về tội làm nhục người khác.

Tháng 6-2010, TAND huyện Long Mỹ (Hậu Giang) đã phạt Đạm chín tháng tù về tội làm nhục người khác. Tòa cho rằng bị cáo phạm tội lần đầu, thuộc trường hợp ít nghiêm trọng nên giảm nhẹ một phần hình phạt.

Xử phúc thẩm, TAND tỉnh Hậu Giang đã tăng án đối với Đạm lên 12 tháng tù. Theo tòa, việc cấp sơ thẩm áp dụng tình tiết giảm nhẹ “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” đối với Đạm là không phù hợp, chưa chính xác. Bởi theo Điều 121 BLHS, chỉ người nào xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người khác mới cấu thành tội làm nhục...

Xét hoàn cảnh phạm tội cụ thể

Các loại tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng được định nghĩa tại Điều 8 BLHS, việc phân biệt chúng căn cứ vào mức cao nhất của khung hình phạt. Còn “trường hợp ít nghiêm trọng” được xác định trong hoàn cảnh đặc biệt hoặc là tình tiết quy định theo từng tội danh.

Phân tích như trên để khẳng định “tội phạm ít nghiêm trọng” và “phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” không phải là một. Đến nay chưa có hướng dẫn chính thức của các cơ quan tố tụng trung ương xác định thế nào là phạm tội “thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”. Việc xem xét đánh giá bị cáo có phạm tội “thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” hay không do nhận thức của người xét xử, trên cơ sở xem xét hoàn cảnh phạm tội cụ thể, tính chất của hành vi, mức độ gây nguy hiểm cho xã hội không lớn.... Tuy nhiên, cần lưu ý: Những người phạm tội có tổ chức thì thường không được xem xét “thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”.

Thẩm phán VŨ PHI LONG,
Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều