Tăng lãi suất huy động thì rồi sẽ dẫn tới tăng lãi suất cho vay. Nhưng điều này sẽ diễn ra như thế nào. PLO phỏng vấn ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm KHCN, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam.
. Phóng viên: Theo ông, những nguyên nhân nào đã khiến cho các ngân hàng đồng loạt nâng lãi suất huy động tiền gửi?
+ Ông Nguyễn Thế Minh: Việc tăng lãi suất tiền gửi có nguyên nhân từ việc nhu cầu vay một phần có xu hướng tăng. Tất nhiên, mức tăng này có thể chưa đạt ngưỡng cao. Ngoài ra, cần phải xét đến vấn đề là từ cuối năm ngoái, rất nhiều ngân hàng đã tăng trưởng tín dụng về mặt kỹ thuật.
Cụ thể, nói dễ hiểu hơn tín dụng tăng khi đó là do đảo nợ. Sang năm nay, khi nhu cầu tín dụng mới tăng lên, bản thân các ngân hàng hiện tại cần phải bổ sung nguồn vốn để cho vay. Như vậy, khả năng cao họ phải nâng lãi suất huy động để bổ sung thanh khoản.
Tín dụng bơm vào đảo nợ cách đây vài tháng chưa đáo hạn, mà nhu cầu mới tăng nên tất yếu cần thêm nguồn tiền để đáp ứng nhu cầu. Chính vì vậy các ngân hàng mới có nhu cầu nâng lãi suất tiền gửi.
. Gần nửa quý II trôi qua, theo quan điểm của ông, nhu cầu tín dụng đã thực sự bứt phá chưa hay chỉ là tăng trưởng nhẹ trong ngắn hạn?
+ Theo khảo sát PMI về tình hình các doanh nghiệp thời gian vừa rồi, hầu hết các doanh nghiệp đều có đơn hàng đến cuối quý III, đặc biệt các doanh nghiệp sản xuất phục vụ cả nội địa và xuất khẩu.
Tăng trưởng tín dụng trung bình toàn hệ thống có tỷ trọng khoảng 40-45% đến từ lĩnh vực bất động sản, còn lại là sản xuất và các lĩnh vực khác. Những năm trước, tăng trưởng tín dụng thấp chủ yếu là do bất động sản yếu đi, rồi năm 2023 cũng thấp chủ yếu do sản xuất và bất động sản cùng yếu.
Câu chuyện giờ đã khác. Sản xuất có khuynh hướng hồi phục lại, doanh nghiệp có đơn hàng đủ để đảm bảo sản xuất đến hết quý III. Vậy khả năng cao là tăng trưởng tín dụng sẽ quay trở lại. Quan sát thì thấy sự phục hồi này đã manh nha từ quý I và có thể sẽ còn kéo dài đến hết quý III tới.
Xu thế này duy trì đến quý IV hay không thì tùy thuộc vào đà phục hồi kinh tế cả trong, ngoài nước, nhất là những nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc.
.Lãi suất tiền gửi đầu vào tăng, tất yếu lãi suất đầu ra phải tăng. Ông dự báo khi nào các ngân hàng sẽ nâng lãi suất cho vay?
+ Việc nâng lãi suất cho vay rồi sẽ xảy ra, nhiều khả năng ở 6 tháng cuối năm, còn trong ngắn hạn, khả năng này là thấp. Bởi hiện tại, tốc độ tăng trưởng tín dụng còn chậm, chưa đạt kế hoạch của các ngân hàng.
Như vậy, trước mắt, các ngân hàng vẫn phải duy trì mặt bằng lãi suất thấp, tức là chấp nhận biên lợi nhuận (NIM) thấp. Khi tăng trưởng tín dụng đạt mức mục tiêu, lúc đó họ mới bắt đầu nâng lãi suất. Dù vậy, khả năng mức tăng cũng nhẹ thôi.
Sản xuất chiếm phần quan trọng trong tổng dư nợ tín dụng của các ngân hàng, nhưng bất động sản mới là phân khúc chiếm tỷ trọng cao, ít nhất là 40-45%. Chúng tôi dự báo trong 6 tháng cuối năm, tình hình của các doanh nghiệp bất động sản sẽ khả quan, nhưng chưa thể bùng nổ. Phục hồi thực sự phải khoảng quý IV-2024 hoặc đầu năm 2025. Lúc đó, lãi suất cho vay mới thực sự được điều chỉnh tăng. Nhưng ngay cả vậy cũng chưa thể tăng mạnh.
. Nếu phải đưa ra một dự báo về mức tăng lãi suất tiền gửi trong thời gian từ nay đến cuối năm, theo ông cao nhất là bao nhiêu?
+ Các ngân hàng thường phải duy trì mức biên lợi nhuận từ 1,5-2%. Thời gian qua, lãi suất cho vay ra có tài sản đảm bảo rơi vào khoảng 8-10%, vậy thì lãi suất huy động cao nhất chỉ trong khoảng 6 -7%.
. Từ nay đến cuối năm, có những biến số nào tác động nhiều nhất đến tăng trưởng tín dụng?
+ Tăng trưởng tín dụng như thế nào sẽ còn tùy thuộc nhu cầu tín dụng của nền kinh tế. Nếu nhu cầu tín dụng tăng quá mạnh, các ngân hàng sẽ buộc phải bổ sung thanh khoản và tăng lãi suất huy động.
Biến số quan trọng khác là diễn biến của lãi suất tiền USD. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn đang duy trì mặt bằng lãi suất rất cao, và tại thời điểm này, các dự báo đều cho rằng từ nay đến hết năm, nhiều khả năng Fed sẽ chỉ hạ lãi suất cơ bản đồng bạc xanh tối đa hai lần, tức là sẽ không giảm nhiều. Mặt bằng lãi suất điều hành của Fed cao như vậy thì các lãi suất khác trên thị trường cũng khó mà giảm.
Một phần nguồn tiền của các ngân hàng đến từ các nhà đầu tư trái phiếu huy động vốn từ thị trường nước ngoài, mà lãi suất trái phiếu thị trường quốc tế cao như vậy thì cũng là sức ép tới lãi suất huy động nội tệ.
Ngoài ra, phải xét đến định hướng điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước luôn đặt mục tiêu điều hành lãi suất theo hướng kiềm chế tỷ giá. Chênh lệch giữa lãi suất tiền USD và tiền đồng lớn như hiện tại, khả năng cao Ngân hàng Nhà nước sẽ có động thái nâng lãi suất lên tiếp nữa. Nhưng các động thái trên nếu có cũng sẽ diễn ra vào 6 tháng cuối năm.
Biến số cuối cùng là địa chính trị. Nếu các căng thẳng địa chính trị tiếp tục leo thang, lạm phát ở các nền kinh tế lớn không giảm, thì áp lực nâng lãi suất là khó tránh khỏi. Giống như Fed gần đây đã tuyên bố: “Không tăng lãi suất nhưng lạm phát mới là câu trả lời”.
. Cám ơn những chia sẻ của ông!