Lãi suất ngân hàng sẽ tăng trở lại?

(PLO)- Lãi suất ngân hàng sẽ tăng nhằm mục tiêu ổn định tỉ giá.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong báo cáo mới phát hành, ông Michael Kokalari, Giám đốc Phòng phân tích kinh tế vĩ mô và nghiên cứu thị trường Tập đoàn VinaCapital, cho biết năm nay tiền đồng suy giảm bởi một số các yếu tố. Trong đó có lý do đồng đô la Mỹ bất ngờ tăng giá mạnh gần 5% so với đầu năm. Nguyên nhân là lạm phát và tăng trưởng kinh tế nóng hơn dự kiến của Mỹ.

Trước tình hình trên, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed có thể sẽ cắt giảm lãi suất ngân hàng năm 2024 nhằm củng cố giá trị đồng đô la.

Ngoài ra, giá vàng cũng đã tăng tới 16% trong năm nay, so với cuối năm 2022 mức tăng đã là 30%. Điều này cũng đang gây áp lực lên tỉ giá USD/VND do nhà đầu tư Việt Nam đẩy mạnh việc mua vàng.

Việc mua vàng của người dân đã dẫn đến việc tăng lượng mua đô la Mỹ. Do đó, tiền đồng đồng thời phải đối mặt với áp lực giảm giá từ đồng đô la Mỹ mạnh và từ việc giá vàng tăng cao.

Đây là một tình huống bất thường vì lãi suất ngân hàng của Mỹ cao hơn sẽ hỗ trợ giá trị của đồng đô la Mỹ. Tuy nhiên, việc này cũng thường dẫn đến việc giá vàng sẽ thấp hơn do làm tăng chi phí cơ hội của người tiết kiệm khi giữ vàng thay vì gửi tiền vào ngân hàng.

"Với hàng loạt áp lực giảm giá lên tiền đồng và khả năng lạm phát ở Việt Nam sẽ đạt 4-5% vào cuối năm một phần do giá dầu tăng, chúng tôi kỳ vọng lãi suất tiền gửi ngân hàng ở Việt Nam sẽ tăng 0,5-1% vào cuối năm nhằm ngăn chặn sự mất giá của tiền đồng.

Chúng tôi không cho rằng lãi suất ngân hàng cần phải tăng hơn 1% để hỗ trợ tỉ giá vì thặng dư thương mại của Việt Nam đã tăng từ 6% GDP năm 2023 lên 8% GDP trong quý I-2024. Đồng thời giải ngân vốn FDI tăng mạnh khoảng 5% GDP trong quý I.

Ngoài ra, các nhà hoạch định chính sách Việt Nam đang cân bằng giữa ổn định tỉ giá và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nghĩa là lãi suất cần đủ cao để hỗ trợ tiền đồng, nhưng không quá cao đến mức chính sách thắt chặt tiền tệ cản trở tăng trưởng GDP" - ông Michael Kokalari nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm