Hàng loạt ngân hàng thông báo tăng lãi suất tiết kiệm ở nhiều kỳ hạn, song mức tăng không nhiều.
Loạt ngân hàng nhanh tay tăng lãi suất
Ngày 2-5, trở lại làm việc sau kỳ nghỉ lễ kéo dài 5 ngày, ngân hàng ACB cập nhật biểu lãi suất tiết kiệm mới cho hình thức gửi tiền trực tuyến với biên độ tăng thêm là 0,2%/năm đối với các kỳ hạn dưới 6 tháng.
Ví dụ các kỳ hạn 1 – 2 – 3 tháng đều được cộng thêm 0,2%/năm, lần lượt niêm yết ở mức 2,5% - 2,7% - 2,9%/năm. Các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên vẫn được giữ nguyên như cũ.
Trước kỳ nghỉ lễ, PVComBank cũng tăng lãi suất tiết kiệm từ 0,2 – 0,3%/năm. Chẳng hạn, lãi suất tiền gửi qua kênh online tại các kỳ hạn 18-36 tháng được nhà băng này tăng thêm 0,2%/năm, hiện niêm yết ở mức 5,3%/năm và mức lãi suất này cao hơn tới 0,5%/năm so với hình thức gửi trực tiếp tại các phòng giao dịch, chi nhánh...
Thậm chí, để hút khách VIP gửi tiền, có ngân hàng còn đẩy lãi suất tiết kiệm lên đến 9,5%/năm. Cụ thể tại PVComBank, những ai gửi tiền từ 2.000 tỉ đồng trở lên với kỳ hạn 12 hoặc 13 tháng sẽ được nhận lãi cuối kỳ lên đến 9,5%/năm.
Nhìn chung xu hướng điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm lan rộng hơn, bởi trong hai tháng trở lại đây đã có khoảng gần 15 ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi. Tiêu biểu như MSB, Eximbank, VPBank, SHB, Saigonbank, KienLong Bank, HDBank, NCB, Bac A Bank, GPBank, OceanBank, Bản Việt, PVComBank, VietinBank… với biên độ tăng từ 0,1-0,5%/năm tuỳ kỳ hạn, tuỳ ngân hàng. Trong đó có ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm lên tới hơn 6%/năm cho kỳ hạn dài.
Theo ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng ACB, khả năng lãi suất sẽ nhích lên theo từng quý, song mức tăng lãi suất tiền gửi từ nay đến cuối năm sẽ không nhiều.
Lý giải về việc nhiều ngân hàng thương mại trong thời gian ngắn trở lại đây đồng loạt điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm, Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại nêu quan điểm: Việc tăng hay giảm lãi suất tiền gửi tuỳ thuộc vào chính sách huy động vốn của từng ngân hàng. Nhưng khi điều chỉnh tăng lãi suất có nghĩa là các ngân hàng dự báo lãi suất trong thời gian tới sẽ đi lên và bây giờ họ nâng lãi suất huy động để đón dòng vốn giá rẻ.
Theo Tổng Cục Thống kê, đến cuối tháng 3-2024, tổng tiền gửi tại các ngân hàng thương mại đạt khoảng 13,4 triệu tỉ đồng, giảm 0,76% so với cuối năm ngoái, trong khi cùng thời điểm này năm ngoái huy động vốn tăng gần 1,2%.
“Bên cạnh đó, tiền gửi kỳ hạn dài trong hệ thống đang giảm đi, do đó việc tăng lãi suất tiết kiệm ở kỳ hạn dài cao hơn so với kỳ hạn ngắn còn giúp ngân hàng tránh tình trạng căng thẳng thanh khoản khi tín dụng phục hồi rõ nét hơn”, vị Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại nói.
Lo ảnh hưởng đến lãi suất cho vay
Phân tích về xu hướng lãi suất trong thời gian qua, ông Phạm Xuân Hòe, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng cho biết: Tổng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng tính đến hết năm ngoái là 13,5 triệu tỉ đồng, tăng khoảng 13% so với một năm trước đó. Lượng tiền gửi vào hệ thống trong năm ngoái tăng mạnh như vậy, chủ yếu là do lãi suất tiết kiệm từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023 neo ở mức cao, có thời điểm lên tới 9,5-10%/năm.
Tuy nhiên, từ cuối năm ngoái đến nay mặt bằng lãi suất tiết kiệm giảm liên tục và hiện đã ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua, kéo theo lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng cũng giảm xuống. Khi dòng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng giảm đi, nó có xu hướng chảy sang một số kênh đầu tư như bất động sản, chứng khoán và đặc biệt là vàng. Trong 3 tháng đầu năm nay vàng đã tăng tới 23% và như vậy, chỉ cần nắm vàng từ đầu năm đến giờ thì nhà đầu tư đã lời khoảng 23% rồi.
“Trước bối cảnh trên, từ giờ đến cuối năm nếu các ngân hàng muốn thu hút tiền gửi thì chắc chắn phải tăng lãi suất tiết kiệm từ 0,5-0,8%/năm, nhưng lãi suất cho vay chỉ nhích nhẹ, do cầu tín dụng hiện vẫn còn yếu”, ông Hoè phân tích.
Các chuyên gia phân tích thị trường tại Công ty cổ phần Quản lý quỹ Dragon Capital cũng cho rằng sau mức giảm mạnh 70- 90 điểm cơ bản từ đầu năm, lãi suất huy động có thể sẽ tăng 30-50 điểm cơ bản trong các tháng tới.
Đây có thể được coi như một đợt điều chỉnh lãi suất giữa chu kỳ giảm lãi suất để giảm bớt áp lực tỉ giá.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến nhận định, việc tăng lãi suất tiết kiệm lần này khó tác động mạnh đến lãi suất cho vay. Bởi cầu tín dụng còn đang yếu, nếu ngân hàng tăng lãi suất thì ai dám vay nữa.
“Hiện nay, các nhà băng đang cạnh tranh nhau cả về lãi suất, dịch vụ để tìm kiếm khách hàng, nhất là những khách hàng có tình hình tài chính tốt, phương án kinh doanh khả thi. Chắc chắn có ngân hàng sẵn sàng áp dụng mức lãi suất cho vay ngang giá vốn và bù đắp phần nào đó từ các loại phí, dòng tiền gửi không kỳ hạn...”, vị lãnh đạo ngân hàng nhận định.
Giám đốc bộ phận phân tích kinh tế vĩ mô và nghiên cứu thị trường (CFA) của quỹ VinaCapital, ông Michael Kokalari, vừa có một báo cáo về tình hình tỉ giá cũng như dự báo biến động lãi suất tiền gửi trong hệ thống ngân hàng từ nay đến cuối năm. Báo cáo cho biết tỉ giá USD/VND thời điểm này đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức bình quân dưới 3,5% một năm trong 8 năm qua.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang chịu sức ép rất lớn trước yêu cầu giữ giá đồng nội tệ. Đây là một nhiệm vụ đầy thách thức, bởi lạm phát và tăng trưởng kinh tế của Mỹ nóng hơn dự kiến đang khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tính toán giảm số lần cắt giảm lãi suất cơ bản trong năm. Diễn biến này khiến đồng bạc xanh tăng giá mạnh gần 5% so với đầu năm. Tiền đồng Việt Nam còn phải đối mặt với áp lực từ tình huống bất thường của giá vàng thế giới.
Cùng với chênh lệch lớn giữa giá vàng trong nước và thế giới, người Việt Nam đã đẩy mạnh việc mua vàng, cũng tức là tăng nhu cầu sử dụng USD. Ở trong nước, yếu tố lạm phát cũng gây áp lực lên tỉ giá USD/VND.
Trước diễn biến đồng nội tệ mất giá mạnh so với trung bình 8 năm qua, nhà điều hành hẳn sẽ phải có giải pháp để tăng lãi suất tiền gửi trong hệ thống ngân hàng. Nhưng mức tăng sẽ phải đảm bảo cân bằng giữa yêu cầu ổn định tỷ giá và thúc đẩy tăng trưởng. Nghĩa là lãi suất cần đủ cao để hỗ trợ tiền đồng Việt Nam, nhưng không thắt chặt tiền tệ quá mức gây cản trở tăng trưởng GDP.
Chuyên gia VinaCapital cũng dự báo lãi suất tiền gửi trong hệ thống ngân hàng từ nay đến cuối năm có thể tăng 50 - 100 điểm cơ bản. Đây sẽ là diễn biến ngược chiều với cả năm 2023, khi lãi suất tiền gửi đã giảm đáng kể so với trước đó.