Sẵn sàng nâng gói vay lãi suất hấp dẫn lên 50.000 tỉ đồng

(PLO)- Trong khi gói tín dụng lãi suất ưu đãi cho ngành lâm, thuỷ sản được nhiều doanh nghiệp lớn biết đến thì doanh nghiệp nhỏ và vừa lại chưa từng biết đến gói vay lãi suất thấp này.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), gói tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản quy mô khoảng 15.000 tỉ đồng đã được các ngân hàng triển khai thành công. Dù thời gian triển khai đến hết 30-6-2024 nhưng đến cuối tháng 1 vừa qua, có 13 ngân hàng thương mại tham gia chương trình đã giải ngân hoàn thành 100% mục tiêu của chương trình cho gần 6.000 lượt khách hàng vay vốn.

Nhằm tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp lâm sản và thủy sản phục hồi và phát triển sản xuất trong thời gian tới, Thống đốc NHNN đã yêu cầu các ngân hàng thương mại xem xét việc nâng quy mô chương trình tín dụng 15.000 tỉ đồng để trở thành gói 30.000 tỉ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản. Chủ trương này đã nhận được sự đồng thuận của các ngân hàng.

Mở rộng quy mô gói vay ưu đãi

Bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - NHNN cho biết, đến nay các ngân hàng thương mại đã hoàn thành việc đăng ký nâng quy mô và tiếp tục giải ngân cho vay với doanh số lũy kế trên 17.500 tỉ đồng với trên 6.500 lượt khách hàng vay vốn.

Bà Tùng khẳng định, NHNN luôn xác định nông nghiệp, nông thôn, trong đó có ngành lâm sản, thủy sản là một trong những lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn. Do đó, thời gian qua cơ quan này đã ban hành, triển khai nhiều chính sách để hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực này.

Đối với gói tín dụng ưu đãi này, ông Phạm Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank cho biết: Năm ngoái, trong quá trình cho vay với các doanh nghiệp lâm thuỷ sản, chúng tôi không gặp bất cứ vướng mắc gì. Do đó, chúng tôi sẽ tăng dư nợ gói tín dụng này theo yêu cầu của NHNN.

doanh nghiệp vay lãi suất thấp tại Agribank
Agribank không giới hạn quy mô gói vay ưu đãi dành cho doanh nghiệp lâm thuỷ sản.
 Ảnh minh hoạ

Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng giám đốc Agribank cũng cho biết: Nhằm tiếp tục triển khai gói vay ưu đãi cho khách hàng hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực lâm thuỷ sản, hiện Agribank đăng ký góp 8.000 tỉ đồng vào quy mô của gói tín dụng này.

Nhưng ngân hàng không có quan điểm giới hạn về quy mô của gói, quan trọng là nhu cầu sử dụng vốn của doanh nghiệp trong lĩnh vực lâm thuỷ sản cần tới đâu Agribank sẽ mở rộng thêm vốn đến đó. Đến nay, việc giải ngân cho các nhóm doanh nghiệp thuỷ sản rất tích cực nhưng cầu tín dụng của nhóm doanh nghiệp lâm sản vẫn còn yếu. Điều này cũng dễ hiểu bởi ngành gỗ vừa trải qua một năm đầy khó khăn nên cũng cần từng bước để khôi phục chứ khó đòi hỏi sự phục hồi và phát triển một cách mạnh mẽ ngay lập tức được.

"Mức lãi suất của gói vay này thấp hơn tối thiểu 1-2%/năm so với lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn, do đó những khoản vay ngắn hạn được giải ngân từ gói này hiện có mức lãi suất dưới 5%/năm, còn với những khoản vay từ 6-9 tháng thì dao động từ 6 - 6,5%/năm”, bà Phượng nói.

Một số công ty than khó tiếp cận gói vay ưu đãi

Theo ghi nhận từ ý kiến của các hội viên thuộc Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng thư ký Hiệp hội VASEP cho biết: Nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ (có chiến lược kinh doanh tương đối tốt, lịch sử tài chính tốt) không gặp khó khăn gì trong việc tiếp cận vốn vay vốn ngân hàng. Tuy nhiên, với gói vay ưu đãi hiện nay dành riêng cho lĩnh vực lâm thuỷ sản lại chưa được phổ biến và chưa được nhiều doanh nghiệp biết đến. Thậm chí nhiều doanh nghiệp nhỏ còn chưa tiếp nhận được thông tin về gói ưu đãi này.

Chia sẻ với chúng tôi, Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu khẳng định: Tôi chỉ mới biết đến gói tín dụng ưu đãi này qua báo chí. Bởi thực tế khi tôi hỏi nhân viên ngân hàng nơi tôi đang có quan hệ tín dụng về gói này thì họ cũng không hề biết bất cứ thông tin gì để giới thiệu.

"Cho nên, tôi cũng không biết lãi suất cho vay của gói tín dụng dành cho lâm thuỷ sản hiện nay ra sao. Còn với riêng các khoản vay của tôi, lãi suất cho vay hiện dao động từ 7,5 – 8%/năm, thấp hơn một năm trước khoảng 1,5 – 2%/năm", vị Giám đốc doanh nghiệp xuất khẩu cho biết.

Ông thông tin thêm, với doanh nghiệp đi vay vốn thì biên độ giảm lãi giảm như vậy là rất tốt, song với sức khoẻ của các doanh nghiệp ngành gỗ vừa bước qua “cửa tử”, chưa thể nói là hoàn toàn bình phục. Do đó, nếu không thể tiếp cận được gói lãi vay ưu đãi như báo chí truyền thông, thì ít nhất cũng cần các ngân hàng tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất thấp trong thời gian tới, ít nhất là đến hết năm 2024.

Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng giám đốc Agribank nhìn nhận một số doanh nghiệp chỉ nói là họ không vay được gói tín dụng ưu đãi, nhưng không ai nói vì sao họ lại không vay được. Thực tế với những doanh nghiệp không vay được với gói lãi suất ưu đãi thì chủ yếu là vì họ không đáp ứng đủ điều kiện mà thôi. Bởi với doanh nghiệp tốt, có hệ số rủi ro thấp thì ngân hàng sẵn sàng cho vay.

"Lãi suất cho vay đã thấp rồi, biên lợi nhuận vô cùng mỏng thậm chí là hoà vốn mà lại rủi ro cao thì không có ngân hàng nào dám cho vay. Đối với gói vay này, chúng tôi không đặt trọng tâm là chỉ hướng đến doanh nghiệp nhỏ hay chỉ cho vay doanh nghiệp lớn mà chúng tôi nhìn vào hồ sơ tín dụng, nếu thấy nguy cơ mất vốn cao thì không dám cho vay.

Bởi, nếu doanh nghiệp quy mô nhỏ nhưng lại có hợp đồng đầu ra, có doanh nghiệp đầu chuỗi, được đánh giá là bảo toàn dòng tiền tốt thì tiếp cận vốn ưu đãi thoải mái”, bà Phượng nhấn mạnh.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh trong thời gian tới, ngân hàng thương mại cần mạnh dạn hơn trong việc tăng hạn mức cho vay đối với doanh nghiệp, linh hoạt trong vấn đề tài sản thế chấp nhưng vẫn phải đảm bảo nguyên tắc bất di bất dịch là đảm bảo thu hồi được vốn, còn doanh nghiệp cũng phải chia sẻ trước nỗi lo về khả năng mất vốn của ngân hàng.

"Muốn ngân hàng đồng hành thì doanh nghiệp cũng phải cởi mở, chia sẻ với ngân hàng về thông tin tài chính, báo cáo tài chính, từ đó ngân hàng mới xác định được dòng tiền và mạnh dạn cho vay", Phó thống đốc nói.

Đối với gói tín dụng 30.000 tỉ đồng cho lâm, thuỷ sản, Phó Thống đốc nhấn mạnh: Đây là gói tín dụng NHNN đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ rất ủng hộ. Nếu hết 30.000 tỉ đồng, tôi sẵn sàng đề xuất 45.000 tỉ đồng thậm chí 50.000 tỉ đồng. Đây là chính sách hỗ trợ rất tốt cho doanh nghiệp vượt khó trong giai đoạn hiện nay.

Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại quy mô tương đối nhỏ cho rằng: Rất khó để tăng quy mô gói tín dụng lên mức cao, bởi lẽ với những doanh nghiệp đầu ngành thì đã “chạy” đến với nhóm big 4 hết rồi, chỉ còn những doanh nghiệp nhỏ mới tới lượt chúng tôi.

Đã cho vay những doanh nghiệp nhỏ, lại còn áp dụng chính sách lãi suất thấp từ hơn 1-2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn, nhất là trong bối cảnh mặt bằng cho vay đã chạm đáy như hiện nay thì lợi nhuận từ những khoản vay ưu đãi là gần như bằng 0.

"Chính vì vậy, những doanh nghiệp nào được vay từ gói lãi suất ưu đãi này đều có phương án kinh doanh và dòng tiền rất tốt”, vị này nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm