Mưa bão đi qua, xót xa ở lại

Ngày 2-11, báo Pháp Luật TP.HCM tiếp tục trao quà của mạnh thường quân, bạn đọc hỗ trợ cho người dân tại xã Hành Tín Tây, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi. Đây là nơi tâm bão số 9 vừa đi qua.

Oằn vai gánh nợ

Bà Lê Thị Bích (60 tuổi) đang gắng phơi những nắm thóc ướt đẫm trên sân nhà. “Mình cố phơi xem có ăn được thì ăn, không thì cho gà ăn” - bà Bích nói.

Cạnh đó, chồng bà Bích, ông Lê Văn Sang (77 tuổi, mắc bệnh tâm thần) ngơ ngác trước căn nhà đổ sập hoàn toàn sau bão số 9. Nhìn thấy chúng tôi, ông Sang thu mình hơn, ánh mắt trống rỗng. Hai tay của người đàn ông không bình thường này cứ đưa ra trước ngực như đang van lạy đất trời đừng đọa đày thêm vợ chồng ông nữa.

Bà Bích kể khi bão vào, vợ chồng bà chỉ biết chui vào căn phòng ngủ dưới gác lửng. Mưa gió ầm ào thổi bay mái nhà, từng mảng tường đổ xuống kéo theo cả bồn nước, cửa nẻo. “Lúc đó cứ tưởng là chết rồi, nhà sập đè chết thôi chứ không sống được nữa” - bà Bích chua chát.

Ba người con của bà Bích đi làm thuê tứ tán, chỉ đủ lo thân.

“Chồng tôi không được bình thường, bị tê liệt thần kinh. Lâu lâu ổng tỉnh táo thì cũng phụ giúp chút việc nhà. Nhưng lúc lên cơn điên thì tôi cũng chỉ biết chạy trốn vì sợ bị ổng đánh…” - bà Bích kể.

Cách đây ba năm, bà Bích vay 80 triệu đồng tiền chính sách xây căn nhà cấp bốn mong che nắng che mưa. Đến khi có chương trình hỗ trợ xây nhà chống bão lũ, bà Bích được Nhà nước hỗ trợ 40 triệu đồng để đúc gác lửng.

Cơn bão số 9 ập đến khiến căn nhà nhỏ mong mỏi cả đời của vợ chồng bà đổ sập. Số tiền nợ 80 triệu đồng không biết khi nào mới trả được khi kinh tế gia đình chỉ là ba sào ruộng và vài chục con gà, vịt vốn đã chết gần hết trong bão.

“Không thể tưởng tượng được, dành dụm vay mượn được bao nhiêu để có nhà cửa, giờ tan hoang hết…” - bà Bích nói.

Bà Bích phơi thóc ướt sau bão. Ông Sang (phía sau) cứ đưa tay ra trước ngực như van lạy đất trời đừng đọa đày thêm vợ chồng ông nữa. Ảnh: TẤN VIỆT

“Mái ấm” đơn sơ của vợ chồng chị Nhị giờ chỉ còn là đống gạch vụn. Ảnh: HÀ HẢI

Khi mái ấm nhỏ đổ sập sau lưng

Trong căn nhà cấp bốn xiêu vẹo, vợ chồng anh Lê Đức Tiên (40 tuổi) và chị Trương Thị Nhị (31 tuổi) chưa hết bàng hoàng khi ngôi nhà bị cây cối đè ngã sập.

Lường trước nguy hiểm của bão số 9, vợ chồng anh chị đã gửi hai con nhỏ sang nhà hàng xóm lánh nạn. Hai anh chị bám trụ lại, mong mỏi giữ được mái ấm cùng số tài sản nhỏ nhoi. Nhưng khi các bức tường bắt đầu rung lắc, họ đã phải chạy vội ra ngoài. Căn nhà đổ sập chỉ cách sau lưng họ vài bước chân.

“Cả đời chưa thấy gió mạnh như vậy, cũng chưa bao giờ vợ chồng tôi thấy bất lực như lúc này!” - chị Nhị nói.

Chị Nhị đứng trò chuyện với chúng tôi khi vẫn mang trên người bộ quần áo lao động cũ sờn dính đầy mủ cây keo.

“Chồng tôi sức khỏe không ổn định. Con mắt phải của anh bị hư trong một lần lao động đã hơn 10 năm nay nên dù cùng đi phu keo nhưng tôi làm là chính. Đi làm thuê, tuốt vỏ cây keo mỗi ngày được 150.000 đồng nhưng lúc có lúc không” - chị Nhị kể.

Khốn khó là vậy, con trai lớn đang học lớp 4 của anh chị vẫn luôn đạt học sinh giỏi. Đứa con út đang tuổi mầm non. Hai con vẫn còn quá nhỏ để hình dung được những mất mát mà cha mẹ đang phải gánh chịu. Họ động viên nhau rằng còn người còn của để có sức mà bước tiếp.

Trong hai ngày 1 và 2-11, báo Pháp Luật TP.HCM đã đến hai địa phương Quảng Nam, Quảng Ngãi để trao 1.000 phần quà do bạn đọc, mạnh thường quân hỗ trợ. Mỗi phần quà gồm các nhu yếu phẩm và 500.000 đồng tiền mặt. Đây là hai tỉnh chịu thiệt hại nặng nhất sau bão số 9. Trước đó, báo đã trao hàng ngàn phần quà cùng tiền mặt đến bà con các tỉnh Bắc Trung bộ bị ảnh hưởng mưa lũ lịch sử.

Báo Pháp Luật TP.HCM sẽ tiếp tục có kế hoạch hỗ trợ lâu dài cho những người dân vùng bão lũ bị thiệt hại nặng. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm