Mua đất của xã hơn chục năm nhưng không làm được giấy

Năm 2004, bà Nguyễn Thị Xuân (ở xóm Đông Thành, xã Quang Thành) vay mượn tiền mua 400 m2 đất. Là hộ nghèo nên bà được giảm nửa số tiền mua đất ở. Ngày 20-7-2004, bà Xuân vay mượn được 2 triệu đồng mang đến UBND xã Quang Thành để nộp. 

Bà Nguyễn Thị Xuân mua đất từ năm 2004 nhưng không làm được giấy.

Trong phiếu thu tiền có chữ ký của chủ tịch UBND xã, kế toán, thủ quỹ xã Quang Thành và ngày hôm sau, đại diện xã Quang Thành cùng kế toán, cán bộ địa chính làm biên bản giao đất cho bà Xuân tại vùng Cây Tràu, xóm Đông Thành.

Sau đó, bà Xuân làm nhà trên thửa đất đã mua. Đến nay, bà Xuân xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng huyện chưa cấp.

Tương tự bà Xuân, sáu người dân khác ở xã Quang Thành cũng mua đất, đóng đủ tiền cho xã nhưng việc cấp giấy bị ách tắc.

Ông Cao Đình Ký (ở xã Quang Thành) cho biết: Năm 2004, ông nộp cho xã 4 triệu đồng để mua mảnh đất 400 m2 cho con trai ra riêng làm nhà. Giờ xin cấp giấy nhưng ách tắc.

Các hộ dân khác cũng mua đất thời điểm 2004 với giá khoảng 10.000 đồng/m2, đã được giao đất và đã xây nhà. 

Lý giải việc không cấp giấy cho dân, UBND huyện Yên Thành đã có nhiều văn bản khẳng định cán bộ xã thời điểm năm 2004 bán đất trái thẩm quyền và yêu cầu kiểm điểm cán bộ và các hộ dân thực hiện nghĩa vụ tài chính mới được cấp giấy đỏ.

Công văn "giao việc" cho huyện.

Phòng TN&MT huyện Yên Thành có công văn trả lời người dân: “Sau khi xử lý kỷ luật người giao đất không đúng thẩm quyền, UBND xã Quang Thành hướng dẫn người dân lập hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và phải thực hiện nghĩa vụ tài chính. Cụ thể là phải nộp 100% tiền sử dụng đất theo giá đất”. 

Tuy nhiên, những người mua đất không đồng tình vì họ đã nộp đủ tiền cho xã vào năm 2004, nay giá đất lên cao lại bắt nộp tiếp theo giá hiện hành thì không thỏa đáng. 

Ông Bùi Trọng Thư, Bí thư xã Quang Thành (ông Thư làm chủ tịch xã Quang Thành thời gian 1999-2010), cho biết: Thời điểm năm 2004 giá đất ở địa phương còn thấp. Xã căn cứ vào giá đất của tỉnh để thu tiền.

Tiền bán đất thu được bỏ vào ngân sách xã chi tiêu chung chứ không nộp lên kho bạc. Bây giờ xã thu tiền của dân rồi có trách nhiệm giải quyết cho dân.

"Dân nộp rồi, xã chi tiêu rồi, trách nhiệm xã phải lo cho dân thôi. Chúng tôi đang đề nghị huyện tạo điều kiện. Huyện đã giao trách nhiệm kiểm điểm cán bộ và lo thủ tục nộp tiền để cấp giấy đỏ cho dân. Chúng tôi đã kiểm điểm anh em cán bộ rồi" - ông nói.

Theo ông Thư, bán lô đất thu được 28 triệu đồng nộp vào ngân sách xã và đã tiêu sạch. Đến năm 2013, người dân mới bắt đầu đi làm giấy tờ để vay vốn ngân hàng thì... huyện phát hiện xã bán đất trái luật. 

Ông Thư thừa nhận ông chịu trách nhiệm chính trong việc bán bảy lô đất trái thẩm quyền và nay ngân sách xã chưa có để giải quyết cho dân.

"Năm 1999 chia tách xã, điều kiện xã còn khó khăn, đất không có giá trị nhiều, nhu cầu dân cần đất ở, chúng tôi bán giải quyết nhu cầu cho dân, không thu được nhiều tiền" - ông Thư nói. 

Ông Cao Đình Ký. 

Ngày 10-10, Chủ tịch UBND xã Quang Thành Hoàng Văn Bảy ký tờ trình gửi UBND xã Quang Thành. Theo ông Bảy, đến nay xã Quang Thành còn bảy bộ hồ sơ bán đất trái thẩm quyền sau ngày 1-7-2004 chưa được cấp giấy đỏ do trước đây UBND xã bán đất không nộp tiền vào kho bạc.

UBND xã Quang Thành đã họp kiểm điểm cán bộ liên quan trước đây. Xã đã hướng dẫn các hộ dân làm hồ sơ nhưng các hộ dân chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính (nộp thêm tiền) và UBND xã Quang Thành cũng không có tiền để nộp cho dân.

Người dân đã kiến nghị nhiều lần nhưng chưa giải quyết được khiến dân bức xúc. UBND xã Quang Thành lập tờ trình đề nghị UBND huyện Yên Thành và các phòng tạo điều kiện giúp đỡ để các hộ dân được cấp giấy đỏ. 

Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành, cho rằng sai là từ cán bộ xã nên xã phải đứng ra giải quyết cho dân, không thể giao việc lên cho huyện.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm