Dù dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng một số doanh nghiệp trong nước không hề bị ảnh hưởng, thậm chí tiền còn “vào như nước” theo đúng nghĩa đen. Đặc biệt, giá cổ phiếu tăng vượt trội đã mang lại kết quả mỹ mãn cho nhiều ông chủ lớn. Theo đó, đã có sự sắp xếp lại ngôi vị những người giàu nhất Việt Nam (VN) trong danh sách 200 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán.
Tài sản tăng gấp đôi chỉ sau một năm
Ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT Công ty Bất động sản Phát Đạt, là một ví dụ điển hình cho việc giàu lên nhanh chóng bất chấp dịch bệnh. Năm 2020, giá trị tài sản của ông Đạt chỉ là 12.381 tỉ đồng nhưng hiện tại đã tăng gấp đôi với con số 25.631 tỉ đồng.
Nhờ giá trị tài sản mới này, ông Đạt từ hạng thứ tám trên bảng xếp hạng người giàu nhất VN trong năm 2020 lên hạng thứ sáu vào thời điểm hiện tại.
Tương tự, khối tài sản của ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Tập đoàn Địa ốc No Va (Novaland), đến nay đã vượt mốc con số 1 tỉ USD. Theo đó, năm 2020, ông Nhơn nắm giữ khối tài sản 14.485 tỉ đồng, đứng vị trí thứ bảy nhưng hiện nay đã tăng hơn gấp đôi với 35.542 tỉ đồng, giúp ông trở thành người thứ ba giàu nhất VN.
Nếu nhìn về kết quả kinh doanh, cả Phát Đạt lẫn Novaland đều có sự bứt phá trong thời gian dịch bệnh nhưng không quá đột biến. Việc duy trì có lãi của hai công ty này một phần nhờ vào thị trường bất động sản đang ở mức tăng giá tốt. Tuy nhiên, việc tăng tài sản lên gấp đôi chỉ trong vòng chưa đầy một năm của ông Đạt lẫn ông Nhơn chủ yếu đến từ thị trường chứng khoán.
Thực tế, cổ phiếu của cả Novaland lẫn Phát Đạt đều tăng mạnh suốt một năm qua. Cụ thể, cổ phiếu Phát Đạt đã tăng trưởng gần 300% với bình quân 90.000 đồng/cổ phiếu. Tương tự, cổ phiếu Novaland cũng tăng gần 100% và hiện đạt mức giá bình quân 110.000 đồng/cổ phiếu.
Bảng xếp hạng người giàu nhất trên thị trường chứng khoán tính toán tài sản thông qua việc nắm giữ cổ phiếu, do đó chỉ cần cổ phiếu biến động tăng hay giảm thì tài sản cũng dao động theo. Ông Đạt sở hữu 243 triệu cổ phiếu Phát Đạt và ông Nhơn đang nắm 217 triệu cổ phiếu Novaland nên cũng hưởng lợi theo đà tăng cổ phiếu.
Chuyên gia tài chính Trần Đình Phương nhận định: Ngoài việc thị trường chứng khoán thăng hoa thì chính việc nhà đầu tư kỳ vọng vào sự tăng trưởng trong giai đoạn tới của hai công ty đã giúp cổ phiếu của hai công ty tăng mạnh. Nguyên nhân là hai công ty này đang nắm khá nhiều dự án bất động sản và quỹ đất chuẩn bị triển khai.
“Khi nhà đầu tư tin rằng mua cổ phiếu của hai công ty này vẫn có lợi nhuận thì xu hướng đẩy giá lên và dự báo tài sản của hai ông chủ tiếp tục đi lên” - ông Phương nhận định.
Hưởng lợi từ cổ phiếu ngân hàng, giá hàng hóa tăng
Trong một nhận định mới đây, ông Michael Kokalari, Kinh tế trưởng của Tập đoàn VinaCapital, đánh giá cổ phiếu ngân hàng (NH) đang tăng mạnh và đây là một yếu tố dẫn dắt thị trường chứng khoán. Từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu NH nhìn chung có xu hướng tăng mạnh hơn chỉ số Vn-Index. Lý do, các NH chiếm gần 1/4 tổng vốn hóa thị trường chứng khoán VN nên sự vượt trội của giá cổ phiếu NH đang giúp thúc đẩy toàn bộ thị trường chứng khoán thăng hoa và giúp nhiều người giàu hơn.
Ông Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy), Phó Chủ tịch HĐQT NH Thương mại cổ phần Bưu Điện Liên Việt, một đại gia mới xuất hiện trong top 10 người giàu nhất VN, đã minh chứng cho nhận định trên. Ông Thụy đang nắm trong tay số tài sản 17.682 tỉ đồng, hiện giữ vị trí thứ tám những người giàu nhất VN. Ông Thụy đang nắm giữ gần 86 triệu cổ phiếu Công ty cổ phần Thaiholdings và 20,3 triệu cổ phiếu NH vốn tăng mạnh thời gian qua nên nhanh chóng sở hữu khối tài sản khủng.
Giá thép tăng mạnh đẩy giá cổ phiếu tăng theo, qua đó giúp tài sản của nhiều ông chủ công ty thép gia tăng. Ảnh: PM
VinaCapital cũng cho rằng việc giá cả hàng hóa tăng cao thời gian qua đã có tác động trái chiều đến nhiều công ty VN. Một số nhà sản xuất hưởng lợi nhờ giá bán tăng cao nhưng số khác nhìn thấy tỉ suất lợi nhuận suy giảm.
Điểm nhấn thời gian gần đây là giá thép tăng đột biến. Theo đó, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Thép Hòa Phát, đang tận hưởng trái ngọt nhờ vào các chiến lược kinh doanh đã hoạch định chính xác từ trước đó. Năm 2020, tài sản của ông Long là 35.338 tỉ đồng thì đến hiện tại đã tăng lên 44.237 tỉ đồng và trong bảng xếp người giàu nhất VN, ông đang giữ vị trí thứ hai.
“Tùy thuộc vào loại thép, giá thép sản xuất tại VN tăng 20%-50% so với đầu năm. Nhu cầu thép của VN rất cao và ngành công nghiệp địa phương đang hoạt động gần hết công suất, điều này giúp giải thích tại sao giá thép VN tăng mạnh trong năm nay” - ông Michael Kokalari giải thích.
Cũng theo ông Michael Kokalari, giá thép VN hiện nay cũng đang được hỗ trợ gián tiếp bởi nhu cầu thép của Trung Quốc tăng mạnh. Ngoài ra, Trung Quốc còn hạn chế xuất khẩu thép nhằm tái cấu trúc hàng tồn kho sản phẩm thép đang cạn kiệt của nước này trong đại dịch COVID-19. Nhờ đó, các nhà sản xuất thép VN không chịu áp lực từ thép Trung Quốc nhập khẩu... Đó là các lý do nâng giá cổ phiếu của các công ty thép, trong đó có Hòa Phát.
Top 10 người giàu nhất Việt Nam Trong top 10 người giàu nhất VN tính đến ngày 24-6, dẫn đầu vẫn là tỉ phú Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, với 224.023 tỉ đồng. Tỉ phú Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát, xếp thứ hai với 44.410 tỉ đồng. Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va Bùi Thành Nhơn đứng vị trí thứ ba với 35.542 tỉ đồng. Xếp thứ tư là ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch NH Techcombank, với 28.627 tỉ đồng. Thứ năm là Phó Chủ tịch NH Techcombank Nguyễn Đăng Quang với 27.628 tỉ đồng. Đứng vị trí thứ sáu là ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt (25.631 tỉ đồng). Vị trí thứ bảy là bà Nguyễn Phương Thảo, Phó Chủ tịch NH HDBank (25.327 tỉ đồng). Vị trí thứ tám thuộc về ông Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy), Phó Chủ tịch NH Thương mại cổ phần Bưu Điện Liên Việt (17.682 tỉ đồng). Vị trí thứ chín là bà Phạm Thu Hương, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup (17.659 tỉ đồng). Vị trí thứ 10 là Chủ tịch Công ty cổ phần VICOSTONE Hồ Xuân Năng (12.829 tỉ đồng). |