Phân tích kỹ 'được, mất' khi mở rộng cửa cho công ty ngoại bán xăng

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại cuộc họp ngày 24-6 về việc hoàn thiện Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu (Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 83).

Theo dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 83, nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia nhiều hơn vào thị trường bán lẻ xăng dầu nhưng không được sở hữu quá 35% vốn.

Về nội dung này, Phó Thủ tướng cho rằng xăng dầu là mặt hàng chiến lược, nhạy cảm, có nguy cơ gian lận, thất thoát, ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia. Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu cần có sự đánh giá cân nhắc nhiều mặt và xem xét kỹ lưỡng.

Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, nhạy cảm, có nguy cơ gian lận, thất thoát, ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia. Ảnh minh họa: PLO

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương "phân tích kỹ lưỡng, toàn diện, khách quan, đánh giá được gì, mất gì về trước mắt và lâu dài đối với vấn đề này để đề xuất cụ thể".

Đây không phải là lần đầu tiên Chính phủ đề nghị xem xét kỹ lưỡng, toàn diện nội dung về việc mở cửa cho nhà đầu tư ngoại tham gia vào thị trường xăng dầu, bởi trước đó có không ít ý kiến lo ngại từ một số bộ ngành, chuyên gia.

Nhiều ý kiến lo ngại khi nhà đầu tư nước ngoài được phép sở hữu cổ phần của công ty xăng dầu trong nước với mức không quá 35% thì nhà đầu tư nước ngoài đó cũng hoàn toàn có thể liên kết với cổ đông, nhóm cổ đông khác để tạo thành một nhóm cổ đông sở hữu lượng cổ phần lớn hơn 35%.

Như vậy, họ có quyền phủ quyết trong cuộc họp đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị. Qua đó, họ có khả năng can thiệp sâu vào việc điều hành hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (DN) xăng dầu trong nước.

Trong các giải trình trước đây, Bộ Công Thương, đơn vị chủ trì xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 83 lại cho rằng việc cho phép các nhà đầu tư nước ngoài tham gia sâu hơn vào thị trường bán lẻ xăng dầu lúc này là phù hợp và đã tính toán rất kỹ.

Bộ Công Thương dẫn chứng thực tế sau quá trình cổ phần hóa, nhiều công ty kinh doanh xăng dầu trong nước đã có nhà đầu tư nước ngoài tham gia cổ phần. Đơn cử, Petrolimex có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài với 20%, PVOil cũng duyệt cổ phần hóa cho nhà đầu tư nước ngoài với mức 35%…

"Bộ Công Thương và ban soạn thảo đề xuất nhà đầu tư nước ngoài chỉ được sở hữu 35% vốn, vì như vậy họ không có quyền chi phối các vấn đề trong điều hành hoạt động xăng dầu. Điều này có nghĩa là các công ty xăng dầu trong nước vẫn nắm được quyền chi phối, mà lại có thêm vốn, công nghệ để nâng cao sản xuất, quản trị" - Bộ Công Thương lý giải.

Ngoài nội dung trên, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu, bổ sung thêm Bộ Quốc phòng được mua trực tiếp nhiên liệu để phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh từ các nhà máy sản xuất, báo cáo Chính phủ theo quy định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm