Hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa hôm qua đã gánh chịu những trận mưa khủng khiếp, kèm những đợt lốc lớn hoành hành, gây ra những thiệt hại rất nghiêm trọng.
Ngày 18-11, tin từ UBND TP Nha Trang cho hay đến khoảng 20 giờ cùng ngày, những cơn mưa khủng khiếp trên địa bàn TP Nha Trang đã làm 13 người chết, bốn người mất tích và ba người bị thương.
Nhiều tuyến đường ngập sâu, giao thông tê liệt
Theo Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Nha Trang, lượng mưa tại TP Nha Trang đã lên đến 234 mm. Do mưa ập đến dữ dội, hệ thống thoát nước không kịp điều tiết nên nhiều tuyến phố ở Nha Trang từ sáng đến trưa 18-11 đã ngập sâu đến rất sâu khiến đời sống của người dân gặp khó khăn và gây ùn ứ giao thông cho nhiều nơi.
Một số tuyến đường trung tâm TP Nha Trang như Nguyễn Thiện Thuật, Nguyễn Thị Minh Khai… đều ngập nặng. Người dân ở một số nơi đã phải di tản đồ đạc, tìm nơi lánh nạn, chờ nước xuống. Đến 19 giờ cùng ngày nước tại các tuyến phố đã tạm rút.
Một số tuyến đường ray tại ga Nha Trang cũng bị ngập sâu. Nước chảy thành dòng như suối lớn cuốn theo nhiều phế liệu, rác thải dọc đường ray. Nhiều đoạn đường ray thuộc hai khu vực ga Nha Trang-Lương Sơn, Nha Trang-Cây Cầy trên tuyến đường sắt Bắc-Nam cũng bị ngập. Đường sắt Bắc-Nam đi qua khu vực này đã bị phong tỏa, tạm ngừng hoạt động để đảm bảo an toàn.
Ông Lê Hồng Sơn, Phó Giám đốc Vận tải đường sắt Sài Gòn Chi nhánh tại Nha Trang, cho biết lúc gần 9 giờ sáng, tàu SE7 chạy hướng Hà Nội-Sài Gòn khi đến ga Lương Sơn buộc phải dừng lại, gần 40 hành khách tại ga Nha Trang được ngành đường sắt trả lại tiền để đi phương tiện khác. Đến chiều tối hôm qua, các tàu qua khu vực này cũng phải dừng lại để chờ xử lý sự cố.
Sạt lở khủng khiếp ở nhiều nơi của TP Nha Trang làm 13 người chết và nhiều người mất tích. Ảnh: TL
Cơn lốc dữ san phẳng những nhà hàng ở khu vực Gành Đá Dĩa(Tuy An, Phú Yên). Ảnh: TRẦN HỮU
Sạt lở khủng khiếp làm 13 người chết
Do mưa lớn nên nhiều điểm tại TP Nha Trang xảy ra sạt lở nghiêm trọng làm chết nhiều người.
Tại quán phở trên đường Tôn Thất Tùng (phường Vĩnh Thọ, TP Nha Trang), mưa lớn làm bức tường dài gần 10 m, cao chừng 10 m, phía sau đổ xuống khiến nữ chủ quán và một bé trai bị gạch, đá vùi lấp tử vong.
Ông Trần Văn Đông, Chủ tịch UBND phường Vĩnh Hòa, cho hay hồ chứa nước nhân tạo của khu dân cư nhà ở cao cấp Hoàng Phú bị vỡ làm sập nhà dân khiến hai người chết, một người mất tích và một người bị thương nặng.
Tại khu vực xóm Núi, xã Phước Đồng, mưa lớn đã làm một phần đất đá từ đồi sạt lở xuống khu dân cư phía dưới. Các cơ quan chức năng cố gắng tiếp cận hiện trường để cứu hộ nạn nhân nghi còn mắc kẹt. Tại khu vực này đã có bốn người thiệt mạng do đất đá vùi lấp.
Khu vực phường Vĩnh Trường cũng bị sạt lở nghiêm trọng làm hai người chết, một nạn nhân vẫn chưa được tìm thấy.
“Nhiều điểm ở TP đang bị sạt lở, giao thông chia cắt. Cơ quan chức năng đã tiến hành di dời hàng trăm hộ dân tại các khu vực sạt lở để tránh thiệt hại về người” - ông Nguyễn Sỹ Khánh, Phó Chủ tịch UBND TP Nha Trang, cho biết.
Phú Yên: Lốc dữ, hàng chục người bị thương
Tỉnh Phú Yên ngày 18-11 cũng đã hứng chịu những trận mưa rất lớn kèm theo những cơn lốc dữ càn quét một số huyện như Đông Hòa, Tuy An gây ra nhiều thiệt hại.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho biết lúc 10 giờ ngày 18-11, một cơn lốc bất ngờ càn qua khu vực huyện Tuy An, cuốn phăng hàng loạt hàng quán ở khu vực danh thắng quốc gia Gành Đá Dĩa thuộc huyện Tuy An (Phú Yên), làm gần 30 du khách bị thương.
Tỉnh Phú Yên đã điều khẩn cấp lực lượng cứu hộ đến khu vực này và đưa chín du khách bị thương đến cấp cứu tại BV đa khoa tỉnh Phú Yên. Ngoài ra, gần 20 người khác bị xây xát đã được lực lượng cứu nạn, người dân sơ cứu tại chỗ.
“Cơn lốc đã cuốn phăng tất cả hàng quán, rất nhiều người bị thương” - một du khách cho biết.
Ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, đến hiện trường trực tiếp chỉ đạo việc cứu nạn, khắc phục hậu quả.
Trưa cùng ngày, một cơn lốc khủng cũng càn quét qua huyện Đông Hòa làm hàng trăm nhà người dân tốc mái, đổ sụp. Cơn lốc cũng làm gãy đổ nhiều cây xanh, trụ điện gây nhiều ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Thủ tướng gửi lời thăm hỏi, chia buồn Tối 18-11, Thủ tướng Chính phủ đã phát đi công điện về việc tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 8. Thủ tướng gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc tới thân nhân các gia đình có người bị thiệt mạng, chia sẻ những khó khăn, mất mát của đồng bào, chính quyền các địa phương, yêu cầu tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ. Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Khánh Hòa và các địa phương khác ở khu vực Nam Trung bộ tập trung chỉ đạo ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ; tổ chức tìm kiếm người còn mất tích, cứu chữa người bị thương, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, mai táng người bị thiệt mạng; hỗ trợ chỗ ở, lương thực, thực phẩm, không để người dân bị đói. Thủ tướng cũng tiếp tục kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ trượt lở đất, lũ quét để chủ động sơ tán, di dời dân cư đảm bảo an toàn. Tăng cường tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn người dân chủ động phòng ngừa; cử người canh gác, hướng dẫn giao thông tại các khu vực có nguy cơ bị sạt lở, ngập sâu, nước chảy xiết, nhất là qua các ngầm, tràn, hạn chế thiệt hại do mưa lũ. PV |
Bão số 8 suy yếu, có thể sẽ xuất hiện bão số 9 Ngày 18-11, liên quan đến diễn biến của áp thấp nhiệt đới (suy yếu từ bão số 8), ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho hay sáng sớm cùng ngày, khi cơn bão số 8 cách bờ biển Ninh Thuận khoảng 160 km thì bắt đầu suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn ở khu vực Nam Trung bộ, Nam Tây Nguyên. Đến chiều tối và đêm 18-11, mưa có thể mở rộng ra Nam bộ, tuy nhiên lượng mưa không quá lớn (phổ biến khoảng 50-100 mm). Áp thấp nhiệt đới suy yếu đi vào Nam bộ sẽ xuất hiện nguy cơ giông, lốc, vòi rồng là rất cao. Do vậy cần phải có biện pháp chủ động phòng tránh. Cũng theo ông Trần Quang Năng, hiện nay có một áp thấp nhiệt đới đang hoạt động ngoài khơi xa tại Philippines. Dự báo khoảng đêm 21 và rạng sáng 22-11, áp thấp nhiệt đới sẽ vượt qua đảo Palawan (Philippines) và đi vào phía Nam biển Đông. Như vậy, khi áp thấp nhiệt đới đi vào có thể đạt cường độ cấp bão và không loại trừ sẽ xuất hiện cơn bão số 9 trên biển Đông (khả năng xuất hiện bão số 9 là cao), cường độ gió có thể đạt khoảng cấp 9-10. Đặc biệt, bão sẽ kết hợp với không khí lạnh mạnh được tăng cường vào ngày 21-11 nên diễn biến về cường độ cũng như quỹ đạo di chuyển của cơn bão số 9 sẽ diễn biến phức tạp. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia sẽ tiếp tục theo dõi và phát các bản tin dự báo, cảnh báo sớm để chính quyền và người dân có biện pháp phòng tránh. TTXVN |