Sáng 14-11, ông Trần Thanh Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà (tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, do mưa lớn kéo dài, nước từ thượng nguồn đổ về khiến nhiều điểm cầu tràn ngập sâu, chia cắt giao thông.
Hiện tại cầu Sông Rin trên QL24B, nối một số huyện ở khu vực phía Đông – Tây của tỉnh Quảng Ngãi, nước đã tràn qua và ngập sâu gần 1m. Cầu tràn Thạch Nham, cầu Sơn Giang – Sơn Linh, cầu Tầm Linh, xã Sơn Linh, cầu Sơn Kỳ ngập sâu gần 1m, nhiều tuyến giao thông bị chia cắt hoàn toàn.
Theo ông Trung, để ứng phó, huyện Sơn Hà đã yêu cầu các đơn vị, địa phương tổ chức kiểm tra tình hình các khu vực có nguy cơ cao sạt lở đất, các vùng trũng thấp chủ động di dời dân đến nơi an toàn.
Trong sáng nay, hơn 20.000 học sinh ở các bậc học trên địa huyện Sơn Hà được cho nghỉ học để đảm bảo an toàn.
Một số huyện miền núi Ba Tơ, Sơn Tây (Quảng Ngãi) cũng xảy ra mưa lớn, gây sạt lở nhiều nơi, chia cắt nhiều tuyến đường.
Tại huyện Sơn Tây, một vạt núi Bảy Màu (xã Sơn Tân) đã bị sạt lở, khoảng 50m3 đất đá tràn ra đường, gây ách tắc giao thông. Xã Sơn Tân huy động cán bộ, đoàn viên, thanh niên cùng với người dân khẩn trương dọn dẹp đất đá, thông đường.
Đồng thời, lực lượng chức năng cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại các khu vực sạt lở và có nguy cơ sạt lở.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn Quảng Ngãi, do ảnh hưởng của không khí lạnh, từ ngày 13-17-11, địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to và rất to, lượng mưa phổ biến 250-450 mm/đợt, có nơi trên 600mm/đợt; mực nước sông của một đợt lũ này có nơi dự báo trên báo động 3; vùng biển gió mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7-8, biển động.
Để ứng phó với tình hình mưa lũ, Ban chỉ huy PCTT&TKCN Quảng Ngãi yêu cầu các địa phương và cấp ngành liên quan, thông báo cho thuyền trưởng, chủ phương tiện đang hoạt động chủ động phòng tránh; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.
Các đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ trên địa bàn, thông tin, thông báo kịp thời đến người dân trong khu vực nhằm chủ động các biện pháp ứng phó; đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn người dân, nhất là người dân tại vùng sâu, vùng xa, vùng có nguy cơ cao bị chia cắt do sạt lở đất dự trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết để chủ động đề phòng sạt lở đất gây chia cắt cục bộ, kéo dài nhiều ngày.
Kịp thời huy động lực lượng tổ chức sơ tán, di dời các hộ dân vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu.
Các địa phương bố trí lực lượng canh gác 24/24 giờ, cắm biển cảnh báo và kiên quyết trong việc ngăn cấm người dân đi lại qua các khu vực nguy hiểm, như ngầm, tràn, tuyến đường bị ngập sâu, sạt lở…