Mùa nóng lắm bệnh

Hạn chế ăn thực phẩm bày bá Mùa nóng lắm bệnh ảnh 1n ngoài lề đường Ảnh: T.T.D.

Trước hết xin điểm qua một số bệnh thường gặp vào những ngày thời tiết oi bức.

Bệnh lý tiêu hóa

Ngộ độc thức ăn, tiêu chảy cấp rất dễ xảy ra vì nhiệt độ 36-37OC là môi trường rất lý tưởng cho nấm mốc, vi khuẩn sinh sôi phát triển khiến thức ăn mau hư và dễ bị ôi thiu hơn bình thường. Ngoài ra khi đi ngoài trời nắng nóng, chúng ta thường dễ uống phải các loại nước giải khát không rõ nguồn gốc đã bị nhiễm bẩn.

Ăn uống kém, rối loạn tiêu hóa: Khi thời tiết quá nóng, hệ tiêu hóa sẽ hoạt động kém, dịch tiêu hóa, dịch mật bài tiết ít, khả năng hấp thu giảm nên ăn không ngon, chán ăn; khi ăn uống dễ đầy bụng, khó tiêu, rối loạn tiêu hóa.

Bệnh lý tim mạch

Trời quá nóng làm người có bệnh tim mạch từ trước dễ bị trở nặng hơn hoặc không còn đáp ứng với điều trị thông thường. Các bệnh có thể gặp là: cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực và tai biến mạch máu não.

Trời quá nóng cũng khiến tim đập nhanh và mạnh hơn, từ đó dễ gây ra những cơn đau thắt ngực, thiếu máu cơ tim, tăng huyết áp. Hoặc đơn giản là khó ngủ, mệt mỏi, cáu gắt do trời nóng cũng làm tăng huyết áp bất thường, gây tình trạng thiếu máu cục bộ cơ tim dẫn đến các cơn đau ngực hay nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não...

Ngoài ra ở người lớn tuổi, nếu thay đổi nhiệt độ quá đột ngột từ nóng qua lạnh (do quá nóng, chạy nhanh vào phòng máy lạnh) sẽ làm các mạch máu co lại đột ngột dẫn đến thiếu máu não, nhồi máu cơ tim. Bên cạnh đó, việc đổ nhiều mồ hôi cũng gây mất nước. Nếu chúng ta không uống đủ nước để bù lại khiến máu bị cô đặc, làm tăng gánh nặng cho tim và dòng máu lưu thông không tốt.

Bệnh lý hô hấp

Các bệnh lý nhiễm trùng hô hấp dễ xảy ra hơn trong mùa nóng, từ viêm mũi họng đến viêm xoang, viêm phế quản cấp, thậm chí viêm phổi.

Trong đó, với các bệnh nhân có tiền sử viêm phế quản mãn tính, hen suyễn dễ bị lên các cơn kịch phát do nhiễm trùng hô hấp. Nguyên nhân là khí hậu nóng làm khô và tổn thương niêm mạc đường hô hấp, cộng với bụi sẽ dễ kích ứng đường hô hấp, gây co thắt phế quản làm lên các cơn khó thở, khò khè.

Ở nhiệt độ thông thường, vùng mũi họng sẽ có một chất nhầy với chức năng giống như chất sát khuẩn dùng để giữ chặt vi khuẩn, virút lại rồi tống chúng ra ngoài cơ thể. Với khí hậu khô nóng, cơ thể mất nước, niêm mạc vùng hầu họng khô lại và khi sử dụng máy lạnh, quạt máy liên tục sẽ khiến niêm mạc mũi họng càng bị khô, trầy xước nên vi khuẩn, virút dễ xâm nhập sâu bên trong gây bệnh.

Hệ thần kinh trung ương (não bộ)

Một hiện tượng dễ gặp khi trời nóng quá là bị say nắng (say nóng) dẫn đến choáng váng, vã mồ hôi, ngất xỉu và sốt.

Thể nặng nhất là “đột quỵ do nóng”. Bệnh nhân bị tổn thương não bộ do nhiệt độ môi trường quá nóng làm cơ thể mất hoàn toàn khả năng điều hòa thân nhiệt và làm suy đa cơ quan phủ tạng rất dễ tử vong. Triệu chứng gồm sốt cao 41-42OC không đáp ứng với thuốc hạ sốt, bệnh nhân bị co giật, nói sảng, thậm chí hôn mê, tim chậm hoặc loạn nhịp tim, huyết áp thấp. Da niêm lúc đầu còn ửng đỏ, sau đó sẽ chuyển dần sang tím tái.

Khi ai đó bị đột quỵ, người nhà có thể sơ cứu như sau:

Nhanh chóng giảm thân nhiệt cho bệnh nhân bằng cách đưa vào chỗ mát, thoáng gió, cởi bớt quần áo, uống nước mát có pha muối, chườm lạnh bằng khăn mát ở những vị trí có động mạch lớn đi gần ngoài da như nách, bẹn, cổ.

Tuyệt đối không giội nước lạnh lên người bệnh nhân vì sẽ làm co các mạch máu ở da, làm cơ thể không thoát nhiệt được, càng nguy hiểm hơn.

Nếu bệnh nhân không uống được nước hoặc nôn liên tục, sốt, phải nhanh chóng chuyển đến cơ sở y tế gần nhất.

Phòng bệnh mùa nắng

Cách tốt nhất để phòng ngừa nắng nóng là uống đủ nước, đem theo khăn ướt để lau mát phụ giúp cơ thể thải bớt nhiệt ra bên ngoài. Về vấn đề tiêu hóa, mọi người nên chú ý ăn thức ăn mới nấu chín, không nên dự trữ thức ăn quá nhiều vì khó bảo quản. Với những người mắc bệnh hô hấp, tim mạch nên đi khám thường xuyên hơn để được tư vấn và điều chỉnh liều lượng thuốc cho phù hợp.

Để phòng say nắng, say nóng, mọi người không làm việc quá lâu ngoài trời nắng nóng, tránh các hoạt động thể lực quá sức, uống đầy đủ nước...

Trong trường hợp sử dụng máy lạnh, cần chú ý

- Điều chỉnh nhiệt độ từ 26-28OC.

- Tránh việc thay đổi nhiệt độ quá đột ngột từ nóng sang lạnh mà phải có từng bước từ từ như từ ngoài nắng nóng bước vào nhà, rồi rửa mặt bằng nước hoặc lau bằng khăn ướt sau đó mới vào phòng máy lạnh.

- Chỉ nên mở máy lạnh trong khoảng 2 giờ, sau đó tắt và mở cửa cho không khí thông thoáng; sử dụng quạt hút và vệ sinh máy lạnh thường xuyên.

- Không ngủ máy lạnh suốt đêm.

Theo BS TRẦN NGỌC LƯU PHƯƠNG (TTO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm