Mua thêm công ty Việt, người Thái chi phối nhiều ngành

(PLO)- Người Thái tiếp tục thâu tóm thêm nhiều công ty hàng đầu Việt Nam ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau những tên tuổi đình đám trong lĩnh vực bán lẻ, năng lượng, dịch vụ, nông nghiệp…, thời gian gần đây tiếp tục chứng kiến thêm một số công ty hàng đầu Việt Nam về tay người Thái.

Từ bỏ cuộc chơi

Toàn bộ ban lãnh đạo Công ty cổ phần Công nghiệp - Dịch vụ - Thương mại Ngọc Nghĩa, thậm chí cả người sáng lập vừa thông báo chính thức bán hết toàn bộ cổ phần tại công ty. Trước đó vào cuối tháng 3 vừa qua, ban lãnh đạo nhựa Ngọc Nghĩa và Tempel Four Limited thuộc VinaCapital đã đồng loạt đăng ký bán 96,44% tỉ lệ sở hữu công ty (tương đương gần 75 triệu cổ phiếu) từ ngày 18-3 cho đến 8-4.

Siêu thị Tops Market (quận Tân Phú)đãvềtay người Thái. Ảnh: TÚ UYÊN

Siêu thị Tops Market (quận Tân Phú)đãvềtay người Thái. Ảnh: TÚ UYÊN

Điều đặc biệt, những nhà sáng lập ra nhựa Ngọc Nghĩa, một công ty đứng đầu về thị phần ngành bao bì PET, quyết định thoái hết vốn đang nắm giữ với tỉ lệ 58,5%. Và Indorama Netherlands B.V, công ty thành viên của Indorama Ventures - nhà sản xuất các sản phẩm hóa học hàng đầu tại Thái Lan, đã chào mua hết toàn bộ phần vốn này.

Hiện giá cổ phiếu nhựa Ngọc Nghĩa đang giao dịch quanh mức 18.000 đồng/cổ phiếu. Do đó, người Thái có thể đã chi ra hơn 1.300 tỉ đồng để nắm quyền chi phối.

Trên thị trường, nhựa Ngọc Nghĩa là một tên tuổi rất lớn chuyên cung cấp bao bì cho nhiều đại gia lớn như Coca Cola, Pepsi, Vinamilk, Unilever… Chưa kể, sản phẩm của công ty còn xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính.

Trước đó, nhựa Duy Tân, một trong những công ty đứng đầu thị trường Việt Nam về các sản phẩm bao bì nhựa cứng đã chính thức về tay người Thái. Cụ thể Tập đoàn SCG Packaging đã bỏ ra hơn 3.600 tỉ đồng để mua 70% cổ phần của nhựa Duy Tân. Ông Wichan Jitpukdee, Giám đốc điều hành SCG Packaging, cho biết hiệu quả kinh doanh của công ty nhựa Việt Nam khá tốt, với doanh thu trên 5.000 tỉ đồng và lãi ròng 650 tỉ đồng chỉ tính riêng từ quý III-2020 đến quý II-2021.

Đại gia Thái cũng đánh giá rất cao nhựa Duy Tân khi cho rằng đây là công ty hàng đầu trên thị trường với nhóm khách hàng rất lớn gồm các công ty đa quốc gia lẫn công ty nội địa lẫn khách hàng cá nhân. Các sản phẩm gia dụng mang thương hiệu Duy Tân, chẳng hạn như đồ hộp và hộp đựng thực phẩm được phân phối rộng rãi tại Việt Nam thông qua hơn 16.000 điểm bán lẻ, nhà bán buôn và siêu thị.

“Do đó, việc mua công ty này cho phép chúng tôi đa dạng hóa và tích hợp năng lực sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của thị trường trong nước lẫn thị trường khu vực ASEAN. Ngoài ra, chúng tôi sẽ có thêm một dòng sản phẩm đóng gói hoàn chỉnh, chuyên nghiệp để đáp ứng tốt hơn các nhu cầu cụ thể của người tiêu dùng” - ông Wichan Jitpukdee nói.

Không chỉ hai công ty trên, trong thời gian qua, người Thái Lan còn thâu tóm nhiều công ty Việt lớn trong lĩnh vực công nghiệp, tiêu dùng, năng lượng, nông nghiệp... Ví dụ Tập đoàn SCG của Thái đã chi ra hơn 2.000 tỉ đồng để thâu tóm Công ty bao bì Biên Hòa (SOVI) với mục tiêu mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. SOVI được xếp vào trong những công ty bao bì lớn trên thị trường Việt Nam với tập khách hàng lớn đến từ các công ty đa quốc gia chuyên về hàng tiêu dùng.

Đằng sau việc phải bán mình

TS Đoàn Hùng Dũng, chuyên gia tư vấn cao cấp Công ty PSD Consulting, nhìn nhận việc nhiều công ty Việt về tay người Thái chủ yếu xuất phát từ hai lý do. Thứ nhất: Khi các công ty này ngày càng phát triển thì tính phức tạp càng nhiều khiến họ bị nhiều yếu tố rủi ro tác động mạnh. Để đối phó với rủi ro, họ ứng phó bằng cách đầu tư cho quản trị, nâng cấp công nghệ. Nhiều công ty bỏ nguồn tiền lớn đầu tư nhưng nguồn thu không tăng kịp khiến tỉ suất lợi nhuận giảm hoặc tệ hơn là thua lỗ nên đành phải bán mình cho nhà đầu tư Thái Lan.

Thứ hai: Người chủ công ty trước đó thành công bằng cơ hội hơn là bằng chiến lược. Có nghĩa rằng họ thắng lớn trên thị trường nhờ vào nắm bắt được cơ hội nhưng đến khi cơ hội trở nên hiếm hoi thì ông chủ đó không biết cách xoay xở để phát triển hoặc đầu tư vào nhiều lĩnh vực không hiệu quả dẫn đến công ty tiêu tốn nguồn lực và không còn đủ sức khai phá thị trường.

“Ngoài ra, các đại gia nước ngoài cạnh tranh rất mạnh gây sức ép lớn cho các công ty nội trong bối cảnh vừa thiếu nguồn lực tài chính, quản trị chưa tốt cũng là nguyên nhân dẫn đến phải bán mình. Do đó, để tránh phải bán đứa con của mình thì người lãnh đạo phải có tầm nhìn, thay vì lo giải quyết sự vụ nên mạnh dạn đào tạo cấp dưới, giao quyền cho họ, dành thời gian nghiên cứu chiến lược rộng hơn. Cách làm này giúp họ có nhiều quyết định đúng đắn và sẽ giảm bớt rủi ro rất nhiều” - TS Dũng khuyến nghị.

Cùng góc nhìn, chuyên gia kinh tế Trần Thanh Hải đánh giá trong hai năm dịch bệnh vừa qua, nhiều công ty gặp khó khăn từ tài chính cho đến tăng trưởng doanh thu. Chẳng hạn, do đặc thù về sản phẩm bao bì phụ thuộc rất lớn vào các ngành hàng tiêu dùng trong nước mà một khi thị trường nội địa có sự biến động thì sẽ ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các sức ép này rất lớn là nguyên nhân đánh gục không ít công ty. Một khi không còn con đường tăng trưởng, bị bủa vây bởi chi phí lớn, doanh thu giảm sút thì việc bán công ty có khi lại là con đường đúng đắn để cứu thương hiệu Việt Nam tránh khỏi phá sản.

Vị chuyên gia này phân tích thêm, người Thái có một hệ sinh thái kinh doanh đã được thiết lập từ trước, nên khi thâu tóm được thương hiệu Việt họ nhanh chóng thúc đẩy tiềm năng và gia tăng sức mạnh của các công ty này. Hệ sinh thái này không chỉ nằm trong mối liên kết thị trường trong nước mà còn mở rộng xuất khẩu. Chưa kể họ còn có các công ty thành viên phụ trách sản xuất các sản phẩm là nguyên liệu đầu vào nên giúp hạ thấp chi phí cho công ty sau khi thâu tóm. Đây cũng là một trong lý do nhà đầu tư Thái nhảy vào mua lại các công ty hàng đầu của Việt Nam, tận dụng tiềm lực sẵn có để chiếm lĩnh thị trường.

Nắm quyền quyết định, chi phối

Theo Dealgonic, các đại gia Thái Lan dẫn đầu số thương vụ mua bán và sáp nhập trong khu vực, Việt Nam và Indonesia lại lần lượt là lựa chọn hàng đầu cho các thương vụ thâu tóm. Các tập đoàn Thái Lan được đánh giá có một số ưu thế hơn so với các công ty từ châu Âu, Hàn Quốc, Nhật do vị trí địa lý, sự tương đồng về văn hóa.

Đáng chú ý bằng chiến lược đầu tư tập trung, nhiều tập đoàn Thái Lan đã để lại dấu ấn rõ rệt tại thị trường Việt Nam thông qua các thương vụ mua doanh nghiệp nội địa hàng đầu. Các tập đoàn Thái này sau khi mua bán, sáp nhập thường nắm quyền quyết định và chi phối, qua đó định hướng lại hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty, thậm chí thay đổi cả thương hiệu cũ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm