Mức sinh thấp, lo nước ta 'chưa kịp giàu đã già'

(PLO)- Việt Nam là một trong các quốc gia có tỉ lệ vô sinh cao, ảnh hưởng đến quy mô, cơ cấu dân số trong tương lai và sự phát triển bền vững của kinh tế - xã hội.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại hội thảo “Mức sinh thấp tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp” diễn ra vào sáng 10-11, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương khẳng định: “Trong điều kiện kinh tế tiếp tục tăng trưởng nhanh, đô thị hóa ngày càng nhanh, hội nhập quốc tế sâu rộng, xu hướng ít con sẽ ngày càng lan rộng. Mức sinh thấp sẽ để lại rất nhiều hệ lụy”.

mức sinh thấp
Việt Nam đang có mức sinh thấp. Tỉ lệ gia tăng dân số giảm từ 3,93% vào năm 1960 xuống còn 0,97% vào năm 2022. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Áp lực kinh tế, không dám sinh con

Phát biểu tại hội thảo, ông Mai Trung Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Quy mô dân số - kế hoạch hóa gia đình, đưa ra những con số cho thấy mức sinh ở nước ta đang thấp, đáng lo ngại.

Bên cạnh 33 tỉnh, TP có mức sinh cao thì hiện có 21 tỉnh, TP lại có mức sinh thấp, thậm chí một số nơi mức sinh rất thấp tập trung ở khu vực Đông Nam Bộ, ĐBSCL và Duyên hải miền Trung.

Mức sinh thấp tác động trực tiếp tới cơ cấu dân số, suy giảm nhóm dân số trong độ tuổi lao động, tăng nhanh quá trình già hóa dân số...

“Một nữ công nhân trong độ tuổi sinh đẻ từng nói với tôi rằng chỉ muốn sinh một con. Nhưng lân la trò chuyện thêm, chị bảo thật ra muốn có hai con cho vui cửa vui nhà nhưng lương chỉ 7 triệu đồng/tháng, mà gửi con đi nhà trẻ cũng mất 3 triệu đồng mỗi tháng, gửi hai đứa tốn 6 triệu đồng thì biết sống thế nào?” - ông Mai Trung Sơn chia sẻ.

Theo ông Sơn, định hướng cuộc sống của mỗi cá nhân cũng đang dần thay đổi. Nếu như trước đây, thanh niên trước 30 tuổi sẽ lấy vợ, lấy chồng, sinh con thì hiện nay nhiều người trẻ có cách nhìn khác rồi. Áp lực từ phía gia đình, cha mẹ lên con cái trong vấn đề này cũng đã khác.

PGS Hồ Sỹ Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản quốc gia - BV Phụ sản Trung ương, cũng đồng quan điểm: “Nhiều gia đình không có con hoặc ít con không phải vì vô sinh, hiếm muộn. Ví dụ, khi một cặp vợ chồng lấy nhau, vì chưa đủ điều kiện kinh tế, họ trì hoãn việc có con. Trong khi đó, cứ sau một năm thì cơ hội có con của một phụ nữ lại giảm đi một chút.

Như vậy, trong nhiều trường hợp, có thể họ không vô sinh nhưng sau đó bị vô sinh thật, góp phần dẫn đến mức sinh thấp. Đây là một vòng luẩn quẩn, cần phải nhìn nhận vào thực tế này để có giải pháp đúng đắn”.

Mức sinh thấp tác động trực tiếp tới cơ cấu dân số, suy giảm nhóm dân số trong độ tuổi lao động, tăng nhanh quá trình già hóa dân số...

Bài học từ Nhật Bản

Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030 nhấn mạnh mục tiêu “duy trì vững chắc mức sinh thay thế” và “giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, đối tượng”. Nhiều chuyên gia đánh giá đây là những định hướng chính sách về dân số rất kịp thời nhằm cải thiện mức sinh thấp tại một số vùng, tỉnh, TP.

“Nhưng vẫn cần thêm chính sách, chiến lược hỗ trợ cụ thể trong thời gian tới” - Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nói.

Để giải quyết chênh lệch mức sinh, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 588/QĐ-TTg phê duyệt chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp với các vùng, đối tượng đến năm 2030. Từ đó, đã có nhiều chính sách triển khai thực hiện tại vùng có mức sinh thấp như hỗ trợ phụ nữ khi mang thai, sinh con và hỗ trợ, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ hai con…

Dự thảo Luật Dân số cũng đề xuất cần có hỗ trợ bằng tiền khi phụ nữ sinh con thứ hai; miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho trẻ em lứa tuổi mầm non, tiểu học; quy định trách nhiệm xã hội của người sử dụng lao động đối với người lao động nuôi con nhỏ…

Tuy nhiên, theo TS Hà Anh Đức, Chánh Văn phòng Bộ Y tế, những chính sách, định hướng về dân số đều là những chiến lược dài hơi, thậm chí triển khai trong nhiều năm khó nhìn thấy kết quả ngay nhưng vẫn cần phải làm. Đặc biệt cần tập trung vào bốn nhóm chính sách về chăm sóc trẻ em, chính sách tại nơi làm việc, hỗ trợ tài chính và hỗ trợ sinh sản.

Nhìn vào bài học từ Nhật Bản, ông Đức cho biết tình trạng thiếu lao động đang kìm hãm nền kinh tế nước này. Các chính sách giữ chân phụ nữ trong lực lượng lao động chưa giải quyết được những khó khăn của các bà mẹ có con nhỏ khi phải cân bằng giữa công việc và gia đình. Thủ tướng Kishida từng tuyên bố Nhật Bản đang ở trên bờ vực không thể hoạt động như một xã hội vì tỉ lệ sinh giảm.

“Nhưng Nhật Bản là quốc gia phát triển, họ có nền tảng kinh tế - xã hội tốt. Còn Việt Nam, rất có thể chúng ta chưa kịp giàu thì đã già” - chánh Văn phòng Bộ Y tế bày tỏ.•

Tỉ lệ vô sinh cao

Hội thảo “Mức sinh thấp tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp” do Hội Phụ sản Việt Nam phối hợp với Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) và Công ty TNHH Merck Healthcare tổ chức.

Các con số đưa ra tại hội thảo cho thấy bên cạnh mức sinh thấp thì Việt Nam cũng là một trong các quốc gia có tỉ lệ vô sinh cao (khoảng 7,7%). Mức sinh thấp kéo dài cộng với xu hướng sinh ít con sẽ để lại nhiều hệ lụy như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm