Mừng vì có tờ báo như Pháp Luật TP.HCM (*)

Mừng vì có tờ báo như Pháp Luật TP.HCM (*) ảnh 1

Thời gian đầu, công việc bộn bề nên tôi cũng chưa chú ý nhiều. Nhưng từ 1997, tham gia Quốc hội khóa IX, khóa X, trong Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM thì tôi có nhiều thời gian tiếp xúc với báo và thấy rất mừng.

Mừng vì một địa phương như TP.HCM và chỉ một cơ quan cấp sở như Sở Tư pháp TP.HCM lại có một tờ báo chuyên về pháp luật, về tư pháp chững chạc như thế. Nhưng tôi cũng luôn có những mong muốn, đòi hỏi cao vượt qua cái áo của một tờ báo địa phương như Pháp Luật TP.HCM.

Tôi chúc mừng báo đã đáp ứng được, nổi trội lên trong làng báo của các cơ quan tư pháp.

Quan hệ giữa Bộ Tư pháp và báo Pháp Luật TP.HCM rất tương thân, tương ái. Khoảng năm 2002, điều kiện báo còn khó khăn, phóng viên thường trú của báo ở Hà Nội không nơi làm việc, Bộ đã cho mượn một phòng làm việc của Bộ Tư pháp ở phố Cát Linh để làm nơi hoạt động. Bộ không phải là chủ quản của báo nhưng giúp đỡ báo luôn là mối quan tâm, là trách nhiệm của Bộ.

Khóa X của Quốc hội là nhiệm kỳ quan tâm đặc biệt tới hoạt động của các cơ quan tư pháp, cũng như thúc đẩy công cuộc cải cách tư pháp. Đây cũng là thời gian mà các cơ quan truyền thông, nhất là Pháp Luật TP.HCM quan tâm rất nhiều tới lĩnh vực đầy khó khăn, phức tạp này. Báo chí đã góp phần tăng cường nhận thức cho các cơ quan nhà nước, cho toàn xã hội về sự cần thiết của cải cách tư pháp. Tuy nhiên, thực tế không có nhiều đại biểu hiểu biết sâu sắc về lĩnh vực này. Là người trong cuộc, tôi từng mong muốn mỗi đại biểu Quốc hội có được một tờ Pháp Luật TP.HCM để đọc, để nghiền ngẫm thường xuyên.

20 năm qua, báo đã dần khẳng định được chỗ đứng của mình trong làng báo chính trị xã hội. Trước những đòi hỏi về xây dựng nhà nước pháp quyền, về dân chủ hóa đời sống xã hội, tôi mong báo mạnh dạn hơn nữa, tham gia vào sinh hoạt tư tưởng, chính trị nước nhà. Đợt góp ý cho Đại hội X, báo chí đã tham gia tích cực vào sinh hoạt chính trị sôi động của đất nước. Đến đợt này, thảo luận, góp ý cho dự thảo các văn kiện trình Đại hội XI, tôi hy vọng Pháp Luật TP.HCM tiếp tục phát huy sức mạnh của mình, là diễn đàn để cho các nhà nghiên cứu, trí thức, học giả, các nhà luật học tham gia mạnh mẽ, tranh luận để đồng thuận, mở ra vận hội mới cho đất nước.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Lộc, Bộ trưởng Bộ Tư pháp 1992-2002, đại biểu Quốc hội 1997-2007

(*) Tựa do tòa soạn đặt.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm