Hôm trong Tết về quê, đang đứng mua ly cà phê thì nghe tiếng bô xe nổ thanh thanh gần bên tôi. Quay lại thì thấy có vài bạn chạy xe máy côn tay hỏi "đường lên Tháp Chàm đi thế nào". Tôi định quay đầu lại thì vợ đã trả lời. Vợ - một phụ nữ chính hiệu chỉ đường, thì hiểu rồi, cả bọn ù cạc, tiếng bô thanh thanh cứ nổ mãi.
Tôi quay ra bảo "quay đầu lại, chạy đến ngã tư thứ hai, quẹo phải, rồi hỏi tiếp, còn xa lắm, chỉ đến nơi không nổi", rồi quay phắt vô chờ cà phê, không đợi nghe cảm ơn. Lát sau vợ hỏi "sao anh có thái độ khó chịu với mấy người đó vậy?".
Tôi ngẩn ra, vì sao nhỉ? Vì họ trùm cái khăn đa năng, đeo bao tay, bận áo da và có áo phản quang khoác ngoài? Vì họ ràng rịt ba lô sau xe và trên tay người ngồi sau lăm lăm cái cây tự sướng? Vì họ bó gối, mang giày thể thao và có cái mũ bảo hiểm to sụ? Không, những thứ đồ an toàn ấy là đúng, là tốt, là hiện đại mà. Chẳng biết nói thế nào, tôi bèn phán đại với vợ “vì chúng phượt phọt”.
Tôi đã sai, tôi đánh đồng bộ trang phục, phụ kiện… như là đại diện của một giới, tôi lấy hình thức đánh vào nội dung… nhưng biết sao được, cảm tính, cảm tình đến đầu tiên từ những thị hiện đó.
Nhóm phượt thủ gần chục xe máy ngang nhiên đi lấn sang phần đường của xe chiều ngược lại. Ảnh chụp từ clip
Phượt ư? Họ chất hơn 20 người lên một cây trà cổ thụ ở Tà Xùa để chụp ảnh, cây gãy chết, họ lên xe đi mất. Phượt ư? Họ lấn tuyến trên đèo, đối đầu xe hơi và hào hứng vung tay khi vượt qua. Phượt ư? Đống rác và mớ hoa màu gãy nát họ để lại sau lưng còn đầy ảnh trên Google…
Phượt, họ có thể thích nguy hiểm, kệ họ, đó là lựa chọn cá nhân nhưng đừng để sở thích ấy gây hại cho người khác. Phượt, họ có thể thích “gần thiên nhiên” theo kiểu của họ nhưng đừng để lại tàn tích cho người khác.
Phượt, việc đi, để mở rộng tầm mắt, để nhìn sâu vào hồn mình, với tôi, thật khác với chuyện dừng một nơi dăm phút, đưa gậy tự sướng lên, mục đích lớn nhất là một tấm ảnh được đưa lên trang Facebook cá nhân với dòng chú thích ảo diệu gì đó.
Như gần đây, ngôi chùa Linh Quy Pháp Ấn ở Lâm Đồng bỗng dưng được nhiều người trẻ kéo đến thăm thú sau một cú truyền thông. Những tưởng đó là duyên, là cách để sự bình yên có thể tìm đến với nhiều người hơn nhưng không, ngôi chùa đã "thất thủ".
Họ mang đến rác và lấy đi hồn cốt thanh tịnh của một ngôi chùa. Hàng đống những tấm ảnh được chụp ở “cổng trời” - chiếc Torii vốn hay có ở những đền thần đạo, vốn được xem như cách đánh dấu mốc để xả bỏ tục lụy, bước vào chốn thiêng liêng nhưng không ai hỏi vì sao Torii lại hiện diện ở một ngôi chùa xa lắc ở Việt Nam như thế.
Họ lao vào khoảng sân cát trắng, lăn lê, bò trườn, ngồi lên đá để chụp ảnh mà không ai để tâm đó là sân vườn Karesansui vốn được biết nhiều với tên sân vườn thiền định. Ở đó chỉ với cát trắng, đá và cây, người học thiền tạo nên thế giới với biển, núi, sông hồ trong cái nhìn không phân biệt. Ở đó, trong mỗi lần cào cát, người ta chú tâm thiền định, nghệ thuật và thế giới hiện ra sau mỗi làn sóng cát. Ở đó, trong mỗi góc nhìn vào khoảng sân vườn, người ta quán chiếu thế giới và chính mình ở những dị biệt và cả không sai khác.
Những người trẻ mượn danh phượt, họ không nghĩ gì về điều ấy, họ chỉ cần có một tấm ảnh post Facebook - mức độ tâm linh lớn nhất họ có thể giác ngộ, kiến thức lớn nhất họ có thể lĩnh hội khi đến một nơi nào đó.
Vậy đấy, như đã nói nhiều lần, sự đi, phượt, du lịch… hiện nay có vẻ đang là một thứ phong trào, một thứ xu hướng, như nghe một MV khi nhiều người khác nghe, mặc một bồ đồ khi nhiều người khác mặc…
Sự đi, ở nhiều người bám phong trào kiểu ấy, vốn không cần thiết, nếu không nói là vô ích hay gây hại cho người khác. Vì đi hay không đi có ý nghĩa gì đâu nếu tâm hồn của họ không thể dung chứa thêm điều gì khác ngoài tấm ảnh tự sướng của riêng. Vì đi hay không đi có tác dụng gì đâu, khi họ không chịu tiếp nhận thêm kiến thức về nơi họ đến. Và những người như thế, tôi tin, vốn cũng khó mà phân biệt một cảnh thiên nhiên đẹp và một đống rác khác nhau chỗ nào.
Tất nhiên, thật may, vẫn còn nhiều người đi mở ra cho ta cái nhìn khác về nơi họ đến, những người hiểu sau mỗi cảnh tượng hay một hạt bụi là một kho kiến thức, là những câu chuyện còn dài, còn dài...