“Khi có thông tin tăng tuổi hưu, chúng tôi đã làm một cuộc khảo sát trong trường và tất cả giáo viên đều không muốn tăng tuổi nghỉ hưu”. Đó là khẳng định của bà Đinh Việt Hà, Phó Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Việt-Triều Hữu Nghị, TP Hà Nội, tại hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) liên quan đến điều chỉnh tuổi nghỉ hưu đối với người lao động (NLĐ) do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức, diễn ra sáng 15-5.
Chưa thấy cô giáo mầm non nào về hưu đúng tuổi
Theo bà Đinh Việt Hà, quy định hiện hành NLĐ làm việc tám tiếng/ngày nhưng giáo viên mầm non (GVMN) luôn làm việc 10-11 tiếng/ngày. Trong đó, họ lao động trí óc và chân tay như giáo dục trẻ, cho các cháu nghỉ trưa, dọn dẹp lớp… Như vậy, cường độ làm việc của GVMN rất cao.
Bên cạnh đó, GVMN thường phải cập nhật giáo dục tiên tiến đòi hỏi năng lực của tuổi trẻ, trình độ ngoại ngữ… Đặc biệt, áp lực từ phía phụ huynh ngày càng lớn về chăm sóc trẻ em. Nên việc kéo dài tuổi hưu đối với GVMN là điều không ai mong muốn.
“Thực tế tôi công tác 15 năm trong nghề nhưng bản thân chưa một lần chứng kiến cô giáo nào về hưu. Họ đều làm việc đến tuổi 35-40 là nghỉ. Vì đến 55 tuổi không ai có thể múa đẹp, hát hay, sức khỏe tốt để đáp ứng cho công việc chăm sóc, giáo dục trẻ nữa. Chúng tôi đề nghị cần có sự linh hoạt trong tăng tuổi hưu, trong đó không tăng tuổi hưu đối với GVMN” - bà Hà kiến nghị.
Là công nhân lao động trực tiếp trong xưởng may, chị Nguyễn Thị Hiền, Công ty Cổ phần Thương mại TNG Thái Nguyên, khẳng định công việc của những công nhân làm việc may trực tiếp rất vất vả. Vì vậy, đến 40 tuổi NLĐ bắt đầu mắt mờ, chân tay run, đường kim mũi chỉ không còn chính xác. Đặc biệt, năng suất lao động thấp hơn lớp trẻ.
“Những nhà làm chính sách muốn biết khó khăn như thế nào, tôi xin mời đến ngồi may một ngày sẽ rõ. Tám tiếng mỗi ngày và làm việc nhiều năm như vậy, nói thật khớp xương teo hết làm sao đủ sức để theo đuổi nghề. Nếu tăng tuổi hưu, chúng tôi phải nghỉ sớm, hưởng lương hưu thấp và tuổi già tiếp tục phải đi kiếm sống, như vậy là bất hợp lý…” - chị Hiền đặt câu hỏi và kiến nghị cần xem xét không tăng tuổi hưu đối với NLĐ trực tiếp.
Nhiều nganh lao động cần sự nhanh tay, tinh mắt của NLĐ đang gặp vướng mắc trước đề xuất tăng tuổi hưu. Ảnh: HTD
Thay “có thể nghỉ hưu” bằng “có quyền nghỉ hưu”
Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐ-TB&XH, thừa nhận một số nhóm lao động không đáp ứng được tuổi nghỉ hưu nam 62 tuổi, nữ 60 tuổi như đề xuất, đặc biệt GVMN, công nhân may, thợ điện tử… Vì vậy, trong dự thảo Bộ luật Lao động đã quy định một số nhóm đối tượng được nghỉ hưu sớm nhưng không quá năm tuổi.
“Vấn đề tại sao Bộ luật Lao động chưa nêu cụ thể, bởi luật này không bao trùm hết được mà phải điều chỉnh bằng các nghị định, thông tư khác…” - ông Bình giải thích.
Trong khi đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng thời kỳ già hóa dân số của Việt Nam bắt đầu từ năm 2011, đến năm 2025 có khoảng 25% dân số già. Như vậy, thời gian tới trong nước sẽ đối mặt với nguy cơ thuê nguồn lao động từ nước ngoài nên việc tăng tuổi nghỉ hưu là cần thiết.
Tuy nhiên, ông Lợi cho rằng ban soạn thảo cần phải xác định được các ngành, nghề nào cần tăng tuổi nghỉ hưu và ngành nghề nào được về hưu trước tuổi… để các đại biểu Quốc hội cho ý kiến trong kỳ họp Quốc hội tới đây.
Cũng theo ông Bùi Sỹ Lợi, các ngành nghề phù hợp cho việc nâng tuổi nghỉ hưu là nghề nghiên cứu khoa học, đối với nữ cán bộ khoa học có trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiệm trong nghiên cứu. Trong lĩnh vực quản lý, đối với nữ cán bộ lãnh đạo có năng lực, đủ sức khỏe, nguyện vọng tiếp tục công tác. Trong lĩnh vực hành chính, đối với chuyên gia cao cấp và chuyên viên cao cấp còn năng lực cống hiến, trong đó cần xem xét đến yếu tố vị trí công tác còn có nhu cầu hay không.
Tuy nhiên, ông Lợi cho rằng việc tăng tuổi hưu đối với một số ngành nghề như da giày, dệt may, chế biến thủy sản, GVMN, diễn viên múa… dễ dẫn đến tình trạng sức khỏe của nhóm lao động nữ khu vực này sau nghỉ hưu sẽ giảm sút và có thể kéo theo các chi phí chăm sóc sức khỏe, y tế nhiều hơn.
“Điều này ảnh hưởng không chỉ với mỗi cá nhân NLĐ mà cả với chi phí từ quỹ bảo hiểm y tế. Hay nói cách khác, không nên để xảy ra tình trạng vì tăng tuổi nghỉ hưu mà NLĐ khi trẻ lấy sức khỏe đi kiếm tiền, khi già lại mang tiền đi mua sức khỏe” - ông Lợi nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Lợi cũng đề nghị ban soạn thảo cần xem xét quy định “có thể được nghỉ hưu” bằng quy định “có quyền được nghỉ hưu”. Vì hiện nay chưa rõ cơ chế thực hiện quyền được nghỉ hưu đối với khu vực công và sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức…
Hai phương án tăng tuổi hưu • Phương án 1: Kể từ ngày 1-1-2021, tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi ba tháng đối với nam và đủ 55 tuổi bốn tháng đối với nữ. Sau đó cứ mỗi năm tăng thêm ba tháng đối với nam và bốn tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. • Phương án 2: Kể từ ngày 1-1-2021, tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi bốn tháng đối với nam và đủ 55 tuổi sáu tháng đối với nữ. Sau đó cứ mỗi năm tăng thêm bốn tháng đối với nam và sáu tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Ngoài ra, dự thảo cũng quy định quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá năm tuổi đối với NLĐ bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt. Quyền nghỉ hưu muộn hơn không quá năm tuổi đối với NLĐ có tr.nh độ chuyên môn kỹ thuật cao, NLĐ làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt. Tuổi nghỉ hưu bình quân nữ giới là 51,7 tuổi Theo thống kê của BHXH Việt Nam, tuổi nghỉ hưu b.nh quân của nước ta là 53,4 tuổi, trong đó nam giới là 55,2 tuổi, nữ giới là 51,7 tuổi, những ngành nghề nặng nhọc, độc hại nguy hiểm thì tuổi nghỉ hưu bình quân chỉ khoảng 43 tuổi (công nhân cạo mủ cao su, làm đường, dệt may, da giày…). |