Tổng thống Donald Trump chứng tỏ ông quả thật là con người khó dự đoán. Ông đã nhiều lần nói không muốn can thiệp vào Syria. Ngày 30-3, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson vẫn còn tuyên bố: “Về lâu dài số phận của Tổng thống Bashar al-Assad sẽ do nhân dân Syria quyết định”.
Ấy vậy mà chỉ trong một tuần, ông Trump đã quay ngoắt 180 độ. Đêm 6-4, hai tàu chiến USS Porter và USS Ross của Mỹ ở Địa Trung Hải đã bắn 59 tên lửa hành trình Tomahawk vào căn cứ không quân Al Shayrat ở tỉnh Homs (Syria) với lý do Syria đã sử dụng vũ khí hóa học.
Khi Trump nói, Trump sẽ làm
Báo Huffington Post ví von quyết định bắn tên lửa vào Syria của ông Trump là hòn đá nhắm đến bảy mục đích nhằm phục vụ cho lợi ích đối nội và đối ngoại của ông Trump:
Năm 2013, Tổng thống Obama chỉ đe dọa sẽ tấn công nếu Syria vượt qua giới hạn đỏ sử dụng vũ khí hóa học. Ngược lại, ông Trump đã chỉ thị bắn tên lửa vào tối 6-4 chỉ vài giờ sau khi đe dọa. Ông muốn thể hiện mình nói là làm.
Ông muốn thể hiện uy quyền với Trung Quốc vào lúc quan hệ Mỹ-Trung gặp khó khăn và vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Ông cũng muốn dằn mặt trực tiếp đối với Iran rằng “Iran đang chơi với lửa”.
Ông muốn chứng tỏ thái độ giữ khoảng cách với Nga để khỏi mang tiếng là “con rối của Nga”.
Ông bất cần đến NATO và chứng tỏ Mỹ có thể đơn phương hành động về ngoại giao cũng như quân sự.
Mỹ chiếm 33% thị trường xuất khẩu vũ khí thế giới. Hành động bắn tên lửa vào Syria đã làm hài lòng giới công nghiệp vũ khí Mỹ.
Ông Trump muốn giảng hòa với các bậc tiền bối của đảng Cộng hòa, đặc biệt là các nhân vật đã từng chỉ trích ông cắt giảm ngân sách đối ngoại để tăng thêm chi tiêu quốc phòng.
Ông muốn lèo lái trọng tâm chú ý của thế giới, báo chí và người dân Mỹ vào lúc sắc lệnh về ngăn chặn nhập cư của ông bị phong tỏa và ý định hủy bỏ chương trình Obamacare đã thất bại.
Tổng thống Donald Trump ra lệnh bắn tên lửa vào Syria viện cớ Syria sử dụng vũ khí hóa học. Biếm họa của STEVE SACK (báo The Minneapolis Star Tribune)
Hậu quả nào sẽ xảy ra?
Qua hành động Mỹ bắn tên lửa vào Syria, Tổng thống Donald Trump mong muốn phát tín hiệu đến tổng thống Syria và không thay đổi sự can dự của Mỹ ở Syria như lời giải thích của Cố vấn an ninh quốc gia H. R. McMaster. Dù vậy, về địa-chính trị, báo New York Times phân tích hành động của ông Trump có thể dẫn đến hậu quả sau đây:
Ngày 12-4, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson sẽ đến Moscow. Mỹ muốn ép Nga phải xuống nước ở Syria, tuy nhiên ông Trump sẽ thất bại vì Nga không bao giờ chấp nhận xem xét lại ảnh hưởng của Nga ở Syria và Trung Đông.
Mục tiêu tiêu diệt IS sẽ bị ảnh hưởng bởi IS sẽ có lợi nếu xuất hiện khoảng trống quyền lực ở Syria. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện) Konstantin Kossachev khẳng định hy vọng về một liên minh Nga-Mỹ chống khủng bố ở Syria nay đã chết yểu.
Ông Trump không có kế hoạch nào về vãn hồi hòa bình ở Syria. Ông cũng không thể xác định các điều kiện nào đã thúc đẩy ông quyết định tấn công quân sự vào Syria. Lý do: Lâu nay ông Trump chỉ cổ xúy cho chủ trương “nước Mỹ trên hết”.
Khó đối đầu Nga-Mỹ ở Syria
GS Samir Saul ở ĐH Montréal (Canada) nhận xét hành động bắn tên lửa vào Syria là động thái xuống nước của ông Trump do cánh bảo thủ mới ở Mỹ gây sức ép dù trước đó ông đã chỉ trích Mỹ can thiệp vào Trung Đông.
Dù vậy, ông Trump sẽ không dám dấn tới bằng cách điều bộ binh hay mở chiến dịch không kích tấn công Syria. Lý do đầu tiên là Syria đã thủ sẵn các dàn tên lửa phòng không hiện đại S-300 và S-400. Syria cũng không phải là Libya bởi Syria có đội quân đông đảo và chuyên nghiệp.
Mỹ không dại gì đơn phương đối đầu quân sự với Nga tại Syria trong khi Hội đồng Bảo an LHQ chưa cho phép trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Nga đang ở mức thấp nhất kể từ sau chiến tranh lạnh. Chưa kể trên bàn cờ Syria còn có Iran hậu thuẫn cho chính quyền Syria.
Ngoài ra, sau thất bại ở Afghanistan và Iraq, công luận Mỹ chắc chắn không ủng hộ giải pháp Mỹ đưa quân đánh Syria. Tổng thống Obama cũng đã từng đắn đo điều này vào năm 2013.
Như vậy, sắp tới ông Trump chỉ có thể tiếp tục đưa ra các tuyên bố hừng hực khí thế nhưng không có hành động đặc biệt nào. Tổng thống Putin cũng có thể sẽ can thiệp để ông Trump rút lui trong danh dự như Putin từng làm năm 2013 (thuyết phục Syria phá hủy kho vũ khí hóa học).
Nga lên án Mỹ vi phạm luật pháp quốc tế Phát biểu tại phiên họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an LHQ hôm 7-4 (được triệu tập theo đề nghị của Bolivia), Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley cảnh báo: “Chúng tôi sẵn sàng làm hơn thế nữa nhưng chúng tôi hy vọng điều này không cần thiết”. Bà chỉ trích Nga là đồng lõa hoặc bất lực đối với tổng thống Syria. Phó Đại sứ Nga tại LHQ Vladimir Safronkov tuyên bố: “Mỹ đã tấn công quốc gia có chủ quyền Syria. Chúng tôi đánh giá vụ tấn công này đã vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế và là hành động xâm lược”. Ông nói Nga sẽ yêu cầu Mỹ giải thích trong chuyến thăm Nga của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson. Anh và Pháp tuyên bố ủng hộ giải pháp chính trị ở Syria. Trước đó, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh chỉ có giải pháp chính trị để giải quyết xung đột Syria. Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố dừng thực hiện bản ghi nhớ Nga-Mỹ về ngăn chặn sự cố và bảo đảm an toàn bay trong chiến dịch ở Syria được ký kết ngày 20-10-2015. Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia Nga Yury Shvytkin giải thích động thái này sẽ giúp Nga có phản ứng kịp thời nếu Mỹ đe dọa các đơn vị Nga ở Syria. |