Phát biểu với hãng thông tấn ITAR-TASS hôm 8-7, ông Seleznyov bức xúc cho biết: “Tôi đang làm việc với Bộ Ngoại giao Nga. Vụ bắt cóc là một tội ác. Moscow phải bảo vệ công dân của mình và Roman cần trở về Nga”.
Nhà lập pháp Duma Quốc gia Nga hết sức phẫn nộ vì Mỹ "bắt cóc một người tại Maldives nhưng không hề nêu lý do”. Ông Seleznyov nhấn mạnh: “Nếu Mỹ có bằng chứng cụ thể, họ nên đưa vụ việc ra tòa án Maldives. Nhưng họ lại đưa con trai tôi là Roman Seleznyov về Mỹ”.
Ngoài ra, ông Seleznyov cho biết Roman không được phép gọi điện thoại cho bất kỳ ai cũng như không có nhân viên lãnh sự và luật sư nào được tiếp cận. Người cha lo ngại con trai mình sẽ bị gây áp lực để nhận những tội danh không phạm phải.
“Roman là một người khuyết tật. Nó cần điều trị y tế và thuốc men. Tôi sợ nó sẽ phải thừa nhận cả tội giết cố Tổng thống Mỹ John F. Kennedy"- ông Seleznyov chỉ trích và không loại trừ yếu tố con trai ông bị bắt cóc để trao đổi với cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden, người đang tị nạn ở Nga hồi năm ngoái.
Trong khi đó, chính phủ Nga cũng lên tiếng về vụ bắt cóc. Roman Seleznyov bị mật vụ Mỹ bắt giữ vì tình nghi xâm nhập vào hệ thống máy tính ở Mỹ để ăn cắp dữ liệu thẻ tín dụng. Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố Roman bị bắt giữ trái với ý muốn và buộc phải lên một máy bay hàng không tư nhân của mật vụ Mỹ tới đảo Guam. Theo phía Moscow, điều này trái với thỏa thuận hỗ trợ trong các vụ án hình sự mà 2 bên ký kết năm 1999.
Bộ Ngoại giao Nga sau đó chỉ trích “hành động thiếu thân thiện của Washington”, đồng thời so sánh các trường hợp mật vụ Mỹ bắt cóc công dân Nga từ nước thứ ba rồi dẫn độ về Mỹ. Bộ cũng cảnh báo những công dân Moscow có khả năng đang dính lệnh truy nã của Washington phải cẩn thận khi đi du lịch ở nước ngoài.
Phát ngôn viên Bộ Tư pháp Mỹ hôm 8-7 xác nhận họ đã yêu cầu Maldives bắt giữ Roman rồi dẫn độ về Guam theo quy định luật pháp riêng của mình. Tuy nhiên, người phát ngôn từ chối bình luận chi tiết. Theo ITAR-TASS, Roman đã ra tòa ở Guam hôm 8-7 và phiên tiếp theo dự kiến diễn ra vào ngày 22-7.