Ngày 14-7, chính phủ Mỹ đã quyết định hủy bỏ quy định vô hiệ hóa visa của du học sinh quốc tế nếu chỉ theo học bằng hình thức trực tuyến vào đầu năm học mới, theo báo South China Morning Post.
Quyết định này chấm dứt một tuần tranh cãi giữa các trường ở Mỹ và chính phủ Tổng thống Donald Trump.
Trước đó, ngày 6-7, Bộ An ninh Nội địa Mỹ và Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) thông báo sẽ hủy visa của du học sinh còn ở Mỹ nếu chỉ học trực tuyến trong năm học tới.
Trường đại học Harvard (Mỹ). Ảnh: GETTY IMAGES/AFP
ICE ra quy định này trong bối cảnh nhiều trường, như trường Harvard và MIT thông báo sẽ tổ chức học trực tuyến vào năm học tới vì lo ngại dịch COVID-19. ICE cho các trường trong vòng chín ngày để thay đổi kế hoạch.
Các trường nào tổ chức học cả hai hình thức trực tuyến và trực tiếp có thời hạn đến ngày 4-8 để cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ở lại cho du học sinh trường mình.
Sau khi chính phủ ông Trump ra quy định này, hàng chục trường, công ty công nghệ, chính quyền 17 bang cũng như chính quyền thủ đô Washington DC đã đệ đơn kiện yêu cầu chính phủ bỏ quy định này.
Trong phiên tòa ngày 14-7 chỉ kéo dài chưa tới bốn phút xét xử vụ kiện của trường Harvard, thẩm phán tòa liên bang Massachusetts Allison Burroughs cho biết chính phủ Mỹ và hai trường Harvard và MIT đã dàn xếp chính phủ sẽ thu hồi lại quy định mới và khôi phục tình trạng cũ.
Hiện có khoảng hơn một triệu du học sinh theo học tại Mỹ.