Mỹ cấp quy chế bảo vệ tạm thời cho công dân Myanmar

Theo hãng tin Reuters, Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS) ngày 12-3 cho biết chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang cấp giấy phép lao động và quy chế hoãn trục xuất tạm thời đối với công dân Myanmar đang sinh sống tại nước này trước tình hình chính biến ở Myanmar.

Theo hai quan chức Mỹ, quyết định này đồng nghĩa khoảng 1.600 người Myanmar tại Mỹ, bao gồm cả các nhà ngoại giao phản đối chính quyền quân sự Myanmar, sẽ đủ điều kiện để được hưởng Tình trạng Được Bảo vệ Tạm thời (TPS) trong 18 tháng.

Biểu tình phản đối chính biến tại Myanmar. Ảnh: AFP

Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa Alejandro Mayorkas cho biết: “Do cuộc chính biến và tình trạng bạo lực của lực lượng an ninh đối với dân thường, người dân Myanmar đang phải đối mặt một cuộc khủng hoảng nhân đạo phức tạp và tồi tệ ở nhiều nơi trên đất nước”.

Theo các vị quan chức, chỉ những người đang cư trú tại Mỹ và có thể chứng minh rằng đã cư trú liên tục tính đến ngày 11-3 mới đủ điều kiện được hưởng quy chế.

Mỹ cấp quy chế bảo vệ tạm thời cho công dân một số nước mà không hồi hương an toàn, vì các lý do như thiên tai hoặc biến động chính trị.

Quy chế này thường được thiết lập trong một khoảng thời gian nhất định như 12 tháng, nhưng có thể được gia hạn nếu những khó khăn hoặc mối đe dọa vẫn còn.

Các quan chức Mỹ cho biết công dân Myanmar không thể quay trở lại đất nước của mình kể từ khi quân đội lên nắm quyền, với lý do lực lượng an ninh tăng cường đối phó, giam giữ và điều kiện nhân đạo ngày càng tồi tệ.

Điều tra viên về nhân quyền của Liên Hợp Quốc Thomas Andrews tại Myanmar hôm 11-3 cho biết việc chính quyền quân sự Myanmar đối phó người biểu tình đã khiến ít nhất 70 người tử vong và hơn 2.000 người bị giam giữ.

Một số nhà ngoại giao Myanmar đã công khai phản đối quân đội nước này, trong đó có Đại diện Thường trực của Myanmar tại Liên Hợp Quốc Kyaw Moe Tun.

Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết những nhà ngoại giao “dũng cảm tham gia phong trào bất tuân dân sự với tình đoàn kết với đồng hương ở quê nhà” sẽ có thể ở lại Mỹ theo quy chế bảo vệ tạm thời.

“Chúng tôi muốn họ biết rằng họ có thể làm điều đó một cách an toàn” – vị quan chức nói.

Một quan chức Mỹ khác cho biết trừ khi quân đội Myanmar đảo ngược tình hình, nếu không sẽ gánh chịu nhiều hành động trừng phạt hơn.

“Nếu họ không khôi phục nền dân chủ và chấm dứt tình trạng bạo lực đối với dân thường thì chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các hành động chống lại các nhà lãnh đạo quân sự và mạng lưới tài chính của họ” - vị quan chức nói.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng 2 đã đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với những người chịu trách nhiệm về cuộc chính biến tại Myanmar, bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng và ba công ty trong lĩnh vực ngọc bích, đá quý.

Washington hôm 10-3 đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với hai người con của Thống tướng Min Aung Hlaing. Các giao dịch giữa người Mỹ với hai cá nhân này và sáu công ty do họ kiểm soát cũng bị cấm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới