Mỹ chi 3,2 tỉ USD phát triển thuốc uống chống COVID-19

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 17-6 đã công bố một chương trình trị giá 3,2 tỉ USD dành riêng cho việc phát triển các loại thuốc chống COVID-19 và các đại dịch tiềm ẩn trong tương lai.

Theo hãng tin AP, Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ và là cố vấn y tế của ông Biden, cho biết chương trình mới sẽ đầu tư vào việc “tăng tốc những thứ đang được tiến hành” cho COVID-19 nhưng cũng sẽ làm việc để đưa ra các phương pháp điều trị cho các loại virus khác. Ông đã công bố khoản đầu tư trên tại một cuộc họp giao ban của Nhà Trắng.

“Có rất ít phương pháp điều trị tồn tại đối với nhiều loại virus có khả năng gây đại dịch, bao gồm Ebola, sốt xuất huyết, hội chứng hô hấp Tây sông Nile và Trung Đông” – ông nói. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh vaccine “rõ ràng vẫn là trọng tâm trong kho vũ khí của chúng tôi”.

Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ và là cố vấn y tế của Tổng thống Joe Biden. Ảnh: AP

Mỹ đã phê duyệt một loại thuốc kháng virus remdesivir nhằm điều trị COVID-19 và cho phép sử dụng khẩn cấp ba liệu pháp kháng thể giúp hệ thống miễn dịch chống lại virus này. Tuy nhiên tất cả các loại thuốc phải được áp dụng qua đường truyền tĩnh mạch tại các bệnh viện hoặc phòng khám y tế, và nhu cầu hiện rất thấp do những trở ngại về hậu cần này.

Ngày càng nhiều chuyên gia y tế đưa ra lời kêu gọi bào chế loại thuốc viên tiện lợi mà bệnh nhân có thể tự uống khi triệu chứng mới xuất hiện. Ý tưởng là bệnh nhân có thể uống thuốc từ rất sớm sau khi xác định bị nhiễm trùng để ngăn bệnh tiến triển sang giai đoạn nặng.

Một số nhà sản xuất thuốc đang thử nghiệm các loại thuốc như vậy, nhưng không kỳ vọng sẽ có kết quả ban đầu trong vài tháng tới. Nguồn kinh phí mới của Mỹ sẽ đẩy nhanh những thử nghiệm đó, đồng thời hỗ trợ việc nghiên cứu, phát triển và sản xuất của khu vực tư nhân.

Tuần trước, Mỹ cho biết họ sẽ mua 1,7 triệu liều thuốc kháng virus thử nghiệm của công ty Merck and Ridgeback Biotherapeutics, được gọi là molnupiravir, nếu nó được chứng minh là an toàn và hiệu quả. Một nghiên cứu lớn về loại thuốc này dự kiến sẽ có kết quả vào mùa thu năm nay. Nghiên cứu ban đầu cho thấy thuốc molnupiravir có thể làm giảm nguy cơ nhập viện nếu được sử dụng ngay sau khi bị nhiễm trùng bằng cách ngăn chặn virus chủng Corona sinh sôi nhanh chóng. Nó không có lợi cho những bệnh nhân đã nhập viện vì bệnh nặng.

Tuần trước, chính phủ Mỹ đã đặt hàng 1,7 triệu gói thuốc này với giá 1,2 tỉ USD - với điều kiện thuốc này sẽ được cấp phép sử dụng khẩn cấp, theo đài BBC.

Một số công ty khác, bao gồm Pfizer, Roche và AstraZeneca, cũng đang thử nghiệm thuốc kháng virus.

Các loại thuốc hiện có hầu hết đã được chứng minh là giúp bệnh nhân tránh phải nhập viện hoặc rút ngắn thời gian hồi phục vài ngày.

Dưới thời Tổng thống Mỹ tiền nhiệm Donald Trump, Mỹ đã rót hơn 19 tỉ USD vào việc phát triển nhanh chóng nhiều loại vaccine. Tuy nhiên, chưa đến một nửa số tiền đó dành cho việc phát triển các phương pháp điều trị mới. Sự thiếu hụt đó ngày càng trở nên đáng lo ngại khi chiến dịch tiêm chủng chậm lại và các chuyên gia nhấn mạnh sự cần thiết phải kiểm soát dịch bệnh ở hàng triệu người Mỹ có thể không bao giờ tiêm phòng.

Cho đến tuần này, các loại thuốc duy nhất được chứng minh là giúp tăng khả năng sống sót là steroid được cung cấp cho những bệnh nhân bị ốm đến mức cần thêm oxy và chăm sóc đặc biệt. Tuy nhiên vào ngày 16-6 vừa qua, các nhà nghiên cứu Anh đã báo cáo rằng một trong những sự kết hợp kháng thể đã làm giảm tử vong thành công trong một nghiên cứu lớn về bệnh nhân COVID-19 nhập viện.

Ngoài Mỹ, các chính phủ khác trên thế giới cũng đang tìm cách tạo ra thuốc uống kháng virus. Theo BBC, vào tháng 4, chính phủ Anh đã khởi động Lực lượng đặc nhiệm chống virus nhằm mục đích phê duyệt hai loại thuốc chống COVID-19.

Một tháng sau đó, Ủy ban châu Âu thông báo họ sẽ tìm cách để có ba loại thuốc kháng virus mới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới