Hãng tin Reuters dẫn lời quan chức Indonesia ngày 17-6 cho biết hơn 350 bác sĩ và nhân viên y tế nước này được xác nhận nhiễm COVID-19, trong đó hàng chục người phải nhập viện, dù đã tiêm vaccine của Sinovac (Trung Quốc).
Ông Badai Ismoyo – lãnh đạo y tế quận Kudus, trung Java, Indonesia – hôm 17-6 cho biết hầu hết các nhân viên y tế này đều không xuất hiện triệu chứng và tự cách ly tại nhà. Tuy nhiên, hàng chục người phải nhập viện trong tình trạng sốt cao và nồng độ oxy giảm.
Quận Kudus đang đối mặt đợt bùng phát COVID-19 do biến thể Delta từ Ấn Độ gây ra và 90% số giường bệnh tại quận này đã được sử dụng.
Indonesia: Hàng trăm nhân viên y tế nhiễm biến thể Delta dù đã tiêm vaccine. Ảnh: REUTERS
Được chỉ định là nhóm ưu tiên, nhân viên y tế tại quận Kudus là những người đầu tiên được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 ngay từ tháng 1.
Theo Hiệp hội Y tế Indonesia, hầu hết các nhân viên y tế đã được tiêm vaccine COVID-19 do công ty dược phẩm sinh học Sinovac của Trung Quốc sản xuất.
Reuters dẫn lời ông Dicky Budiman - nhà dịch tễ học tại ĐH Griffith (Úc) – nhận định: "Dữ liệu cho thấy họ nhiễm biến chủng Delta, nên không có gì ngạc nhiên khi tỷ lệ lây nhiễm cao hơn trước đây. Chúng ta đã biết rằng phần lớn nhân viên y tế ở Indonesia sử dụng vaccine của Sinovac và chúng ta chưa biết hiệu quả của loại vaccine này với biến chủng Delta".
Người phát ngôn của Sinovac và Bộ Y tế Indonesia hiện chưa bình luận về thông tin trên.
Theo bà Lenny Ekawati – thành viên nhóm LaporCOVID-19, nhiều người hiện cảm thấy mệt mỏi trước đại dịch và ít cẩn trọng hơn sau khi đã tiêm vaccine COVID-19.
"Hiện tượng này xảy ra khá thường xuyên, không chỉ với cộng đồng, mà còn với cả nhân viên y tế. Họ nghĩ mình an toàn vì đã được tiêm chủng" - bà Ekawati chia sẻ.
Reuters dẫn lời ông Prijo Sidipratomo - trưởng khoa Nội thuộc Bệnh viện Phát triển quốc gia Indonesia – cho hay ông biết ít nhất sáu bác sỹ tại thủ đô Jakarta phải nhập viện vì COVID-19 trong tháng này. Tất cả họ đều đã được tiêm vaccine. Một người đang phải điều trị tại khu chăm sóc tích cực.
"Chúng ta không thể chỉ dựa vào tiêm chủng" - ông Sidipratomo bày tỏ, đồng thời kêu gọi mọi người tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp chống dịch.
Indonesia hiện phải vật lộn với một trong những đợt bùng phát tồi tệ nhất ở châu Á, đến nay đã ghi nhận 1,9 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có 53.000 ca tử vong. Hơn 946 bác sỹ, y tá Indonesia đã tử vong vì COVID-19.
Theo Reuters, Tổng thống Indonesia Joko Widodo hôm 17-6 đã chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến trình tiêm chủng tại nước này, sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cùng ngày đã cảnh báo Indonesia cần tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội để giảm đà lây lan của biến thể Delta.
“Chúng ta cần tăng tốc tiêm chủng để đạt được miễn dịch cộng đồng, điều mà chúng ta hy vọng có thể ngăn chặn sự lây lan của COVID-19” – ông Widodo cho biết khi đến thăm một trung tâm tiêm chủng ngay ngoại ô thủ đô Jakarta.
Ông Widodo đã chỉ đạo các bộ trưởng trong Nội các và chính quyền địa phương tăng số lượng người dân được tiêm chủng mỗi ngày lên một triệu người vào tháng 7. Ông Widodo cho biết Indonesia hiện đang tiêm vaccine cho nửa triệu người mỗi ngày.