Mỹ có thể chuyển căn cứ quân sự từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Hy Lạp

Mỹ đang xem xét khả năng chuyển quân đội nước này khỏi căn cứ không quân Incirlik (Thổ Nhĩ Kỳ) để chuẩn bị cho các kịch bản xấu nhất có thể xảy đến trong quan hệ với chính quyền Ankara, trang tin Washington Examiner ngày 11-9 cho hay.

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Ron Johnson, Chủ tịch Tiểu ban Quan hệ đối ngoại với châu Âu thuộc Thượng viện Mỹ, cáo buộc chính sách đối ngoại mà Ankara đang thi hành là "đáng lo ngại" và điều này buộc Washington chuẩn bị cho việc rút quân khỏi Incirlik.

"Chúng tôi không biết điều gì sẽ xảy ra với Incirlik. Chúng tôi hy vọng điều tốt đẹp nhất nhưng phải lên kế hoạch cho điều tồi tệ nhất" - ông Johnson nói.

Đồng thời, ông Johnson cho biết Mỹ đang xem xét Hy Lạp - quốc gia đang căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ ở Địa Trung Hải - là "sự thay thế". Lựa chọn được cân nhắc là căn cứ hải quân Crete ở vịnh Souda trên đảo Crete, miền nam Hy Lạp. 

Thượng nghị sĩ Ron Johnson, Chủ tịch Tiểu ban Quan hệ đối ngoại với châu Âu thuộc Thượng viện Mỹ. Ảnh: WISCONSIN STATE JOURNAL

Trong quan hệ song phương với Mỹ, từ sau âm mưu đảo chính bất thành năm 2016 mà Ankara cáo buộc có dính líu tới Washington, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nhiều lần đe dọa cản trở lực lượng Mỹ tiếp cận căn cứ không quân Incirlik. Tại căn cứ này, Mỹ đang triển khai nhiều loại vũ khí, trong đó có cả vũ khí hạt nhân.

Nếu Lầu Năm Góc buộc phải rút quân khỏi Incirlik, động thái đó sẽ báo hiệu sự thay đổi quan trọng trong quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ - hai cường quốc quân sự lớn nhất NATO, Washington Examiner dự báo.

Thượng nghị sĩ Johnson cho biết Mỹ "muốn duy trì sự hiện diện và hợp tác đầy đủ ở Thổ Nhĩ Kỳ" nhưng Washington nhận thấy rằng "con đường mà ông Erdogan đang đi là không tốt".

"Điều rất đáng quan tâm là một trong những lý do chúng tôi chắc chắn sẽ tăng cường và nâng cấp hợp tác quân sự với Hy Lạp, tăng cường sự hiện diện tại vịnh Souda là vì hết sức thành thật mà nói, sự hiện diện của chúng tôi ở Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắc bị đe dọa" - ông Johnson nhấn mạnh.

Ông Johnson ám chỉ việc chính quyền Ankara mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga, tăng cường các hoạt động ở Libya đi ngược lợi ích của nhiều đồng minh hay leo thang căng thẳng với Athens. Cả Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đều gia nhập Khối an ninh Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) năm 1952.

Căng thẳng Thổ Nhĩ Kỳ - Hy Lạp xuất phát từ việc hai nước hậu thuẫn cho hai chính quyền khác nhau trên đảo Síp. Ankara chống lưng cho Cộng hòa Bắc Síp (không được phương Tây công nhận) và Athens ủng hộ Cộng hòa Síp (CH Síp - được phương Tây công nhận). 

Căn cứ không quân Incirlik của Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: DOGAN NEWS AGENCY

Ông Aykan Erdemir - một luật sư Thổ Nhĩ Kỳ có quan điểm chỉ trích Tổng thống Erdogan và là nhà phân tích thuộc Quỹ Bảo vệ các nền dân chủ (FDD, có trụ sở tại Mỹ) - nói rằng điều ông lo lắng là "một cuộc đụng độ không có chủ ý" vì "ngay cả một xung đột quân sự ngắn ngủi cũng có thể cực kỳ bất lợi cho NATO".

Ông Erdemir cho rằng nếu xảy ra xung đột giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, đối thủ chính của NATO là Nga sẽ trở thành nước hưởng lợi.

Ngày 2-9, Mỹ đã dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí phi sát thương đối với CH Síp, làm căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và phần còn lại trong NATO tiếp tục tăng cao.

Các quan chức ngoại giao tại Washington cho rằng quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí phi sát thương này không chỉ là báo hiệu rằng Mỹ đang chuẩn bị cho nguy cơ không thể tiếp cận căn cứ Incirlik, mà còn tác động tới Nga.

Quan hệ Mỹ - CH Síp được tăng cường có thể phần nào gây khó khăn cho hoạt động của hải quân Nga tại khu vực vì CH Síp là nơi các tiếp nhiên liệu cho các tàu chiến Nga. 

Máy bay Thổ Nhĩ Kỳ chặn máy bay Hy Lạp
Máy bay Thổ Nhĩ Kỳ chặn máy bay Hy Lạp
(PLO)- Đoạn phim cho thấy giao diện nhắm mục tiêu của máy bay Thổ Nhĩ Kỳ bám theo chiếc máy bay của Hy Lạp khi nó tiếp cận khu vực đặt NAVTEX (hệ thống định vị hàng hải và dự báo thời tiết biển) mà Ankara tuyên bố chủ quyền.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm