Ai có thể là người đánh cắp tài liệu Panama? Động cơ của nguồn tin này khi cung cấp tài liệu Panama cho báo chí là gì? Ai là người được lợi nhất từ việc tài liệu Panama rò rỉ? Tất cả vẫn đang là những câu hỏi được nhiều người quan tâm và chưa có giải đáp.
Mỹ có thể đứng sau vụ rò rỉ tài liệu Panama là quan điểm của một số cơ quan truyền thông quốc tế, trong đó có tạp chí GQ (Anh) và báo Sputnik (Nga).
Chưa ai thấy những tập tin cụ thể
Tài liệu Panama được cung cấp cho một tờ báo hạng hai - tờ Süddeutsche Zeitung của Đức, từ một nguồn tin mà tờ Süddeutsche Zeitung không hề gặp hay xác định được.
Süddeutsche Zeitung sau đó chuyển tài liệu Panama cho một tổ chức có tên Liên minh Nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ).
ICIJ là một tổ chức gồm các nhà báo và cơ quan truyền thông thành viên, vốn vài năm gần đây được biết đến nhiều với việc cung cấp dịch vụ phân tích và phân phối các dữ liệu thông tin được đánh cắp quy mô lớn. ICIJ thừa nhận mình cũng không xác định được danh tính nguồn tin cung cấp tài liệu Panama.
ICIJ có trụ sở ở Mỹ, được tổ chức báo chí phi lợi nhuận Mỹ Trung tâm Liêm chính công thành lập năm 1997.
Tạp chí GQ cho rằng việc tờ Süddeutsche Zeitung và ICIJ không tiết lộ danh tính người cung cấp nguồn tin không hẳn vì để bảo vệ nguồn tin khi không xác định được nguồn tin là ai. Trung tâm Liêm chính Công nói rằng nguồn tin có thể là người trong nội bộ Công ty Mossack Fonseca, dù thừa nhận chưa có bằng chứng.
Trong trường hợp rò rỉ này, ICIJ được xem tương tự như Wikileaks - một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế chuyên tiết lộ thông tin được gửi đến vô danh và các thông tin rò rỉ từ các loại tài liệu chưa công bố khác nhưng không công bố danh tính nguồn tin.
Một điều nữa, đây được cho là lượng tài liệu khổng lồ nhất trước nay bị rò rỉ - 11,5 triệu tập tin nhưng tới giờ vẫn chưa ai thấy, đọc được những tập tin tài liệu cụ thể. Tất cả những gì báo chí nói đều là những nội dung được cho là lọc từ những tài liệu, mà chưa ai có thể kiểm chứng việc này. Và ICIJ đã tuyên bố sẽ không công khai tài liệu này.
ICIJ đưa ra danh sách hàng trăm nhà báo tham gia điều tra tài liệu Panama và giữ kín nó trong vòng một năm trời. Rất nhiều người trong số này không có chuyên ngành báo chí, từng dính líu Bộ Ngoại giao Mỹ cũng như các cơ quan tình báo Mỹ, trong đó có Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), như lời của người phát ngôn văn phòng tổng thống Nga Dmitry Peskov.
Ngoài ra còn có sự hợp tác rất nhiều cơ quan truyền thông khắp thế giới với tư cách là đối tác xuất bản. Đáng chú ý là trong số này không có cơ quan truyền thông lớn nào của Mỹ, ngoại trừ công ty xuất bản McClatchy (có 30 ấn phẩm báo chí ở 15 bang), báo Fusion vừa tham gia thị trường truyền thông mới đây và đài Univision chuyên phát tiếng Tây Ban Nha.
Bằng việc tấn công vào Công ty Mossack Fonseca, tình báo Mỹ muốn nắn dòng tiền trốn thuế ở Panama chảy về nước mình? (Ảnh: INDIAN EXPRESS)
Ai đứng đằng sau?
Vụ tiết lộ tài liệu Panama là do Dự án Báo cáo về Tham nhũng và Tội phạm có tổ chức (OCCPR – Mỹ) lên kế hoạch tiến hành dưới sự tài trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAIDS), theo thông tin WikiLeaks đưa lên trang xã hội Twitter của mình.
Trong cuộc họp báo tuần trước, phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner đã cho biết chính phủ Mỹ có tài trợ cho hoạt động của Dự án OCCPR, thông qua USAIDS.
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn báo Sputnik (Nga), nhà báo đồng thời là chuyên gia tài chính Đức Ernst Wolff nhận định tình báo Mỹ chính là kẻ đứng sau việc rò rỉ tài liệu Panama. Theo chuyên gia này, tình báo Mỹ rò rỉ tài liệu Panama nhằm triệt tiêu thiên đường trốn thuế Panama và chuyển hướng thiên đường này về Mỹ. Đó có thể là về các thiên đường né thuế của Mỹ ở các bang Nevada, Wyoming, Delaware.
Công ty Mossack Fonseca đã thành lập 214.000 công ty hải ngoại cho khách hàng trong hơn 40 năm. Và chuyên gia Ernst Wolff cho rằng tổng số tiền những công ty này đang cất giấu khoảng 30.000-40.000 tỉ USD. Rõ ràng là Mỹ rất thèm muốn nắn dòng để lượng tiền này chảy về nước mình.