Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson đã trở thành “thương vong” chính trị đầu tiên của vụ công bố “Tài liệu Panama”. Sức công phá của những thông tin đầu tiên được công bố từ “Tài liệu Panama” đang khuấy động chính trường và các cơ quan điều tra nhiều nước. Làn sóng biến động này sẽ còn tiếp diễn với những thông tin sắp tiết lộ trong thời gian tới.
Những “thương vong” chính trị đầu tiên
Sau khi đối mặt cuộc biểu tình phản đối khổng lồ ngày 5-4, ông Sigmundur David Gunnlaugsson đã thông báo từ chức. “Tài liệu Panama” cho thấy ông Gunnlaugsson và vợ có sở hữu công ty cảnh ngoại Wintris ở quần đảo Virgin thuộc Anh với mục đích che giấu tài sản.
Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson trả lời phỏng vấn trước khi chấp nhận từ chức vào ngày 5-4. Ảnh: REUTERS
Ông Gunnlaugsson vẫn khẳng định mình không làm gì sai, không trốn thuế. Tuy nhiên, phe đối lập cáo buộc ông đã vi phạm các quy tắc về đạo đức vì che giấu thông tin mình liên quan đến một công ty cảnh ngoại có tên Wintris. Công ty Wintris nắm giữ cổ phần của một số ngân hàng Iceland làm ăn thua lỗ và nhận giải cứu của chính phủ Iceland.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cũng đang có nguy cơ sẽ phải nối bước thủ tướng Iceland. Phe đối lập tại Kiev đang liên tục yêu cầu ông từ chức kể từ khi “Tài liệu Panama” rò rỉ. Tài liệu cho thấy ông Poroshenko đã lập một công ty cảnh ngoại để dễ dàng trốn thuế.
Tổng thống Ukraine ông Petro Poroshenko đang có nguy cơ mất chức. Ảnh: REUTERS
Biến động chính trường vì “Tài liệu Panama” không chỉ diễn ra ở Iceland và Ukraine, Tổng thống Argentina Mauricio Macri cũng đang phải đối mặt nguy cơ mất chức vì phe đối lập yêu cầu điều tra ông liên quan đến công ty cảnh ngoại đề cập trong “Tài liệu Panama”. Trớ trêu là ông Mauricio Macri lại lãnh đạo một chiến dịch chống tham nhũng, thề sẽ quét sạch tàn dư tham nhũng chính phủ người tiền nhiệm Cristina Fernandez de Kirchner để lại.
Còn tại Luân Đôn, phe đối lập đang yêu cầu điều tra gia đình Thủ tướng Anh David Cameron vì liên quan đến công ty cảnh ngoại đề cập trong “Tài liệu Panama”. Thủ tướng Cameron không có tên trong danh sách “Tài liệu Panama” đề cập, tuy nhiên bố ông - ông Ian Cameron được cho là đã mở một công ty cảnh ngoại ở Bahamas để trốn thuế. Ông Ian Cameron đã thuê một số công dân Bahamas đại diện công ty, theo báo Guardian (Anh).
Thủ tướng Anh David Cameron (trái) và cha Ian Cameron (phải). Ảnh: GETTY IMAGES
“Tôi chỉ có lương thủ tướng, tôi có ít tiền tiết kiệm và một ít lãi từ đó, tôi có một căn nhà. Đó là tất cả những gì tôi có. Tôi không có cổ phiếu nào cả, không có công ty cảnh ngoại nào cả hay bất cứ gì tương tự thế” - Thủ tướng Cameron khẳng định trong ngày 5-4.
Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif cũng đang nằm trong vòng đe dọa vì ba người con của ông bị “Tài liệu Panama” nêu tên, liên quan đến một số công ty cảnh ngoại.
Nằm trong vòng công phá của “Tài liệu Panama” ngoài các chính trị gia còn có giám đốc chi nhánh Chile của Tổ chức Minh bạch Thế giới - tổ chức giám sát tham nhũng - Gonzalo Delaveau. Ông Gonzalo Delaveau đã tuyên bố từ chức ngay sau khi “Tài liệu Panama” được công bố và cho thấy ông liên quan đến năm công ty cảnh ngoại tại Bahamas.
Vì sao nước Mỹ chưa rung chuyển?
Vào buổi tối “Tài liệu Panama” được công bố, người đọc không hề thấy thông tin này trên báo New York Times (NYT). Sau 9 giờ tối, NYT mới đưa tin về chủ đề này nhưng tổng hợp từ hai hãng tin Mỹ Reuters và AP chứ không phải tin tự mình sản xuất. Tính đến thời điểm này chỉ có một số lượng ít cá nhân có địa chỉ ở Mỹ, chỉ có 211 người bị đề cập đến trong “Tài liệu Panama”. Tuy nhiên, tài liệu này vẫn chưa thể khẳng định 211 người này có phải là công dân Mỹ hay không. Cũng không có nhiều cái tên giàu có Mỹ trong danh sách.
Không riêng NYT, nhiều hãng truyền thông lớn ở Mỹ không phải là thành viên của Liên minh Nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ). Trang Fusion (Mỹ) dẫn lời ICIJ cho biết con số 211 “địa chỉ Mỹ” chỉ là kết quả điều tra số tài liệu vài năm gần đây của Mossack Fonseca, không phải toàn bộ 11,5 triệu tập tin. “Những gì công khai chưa đánh giá đúng mức những gì thật sự có trong “Tài liệu Panama”” - Fusion dẫn lời người đứng đầu bộ phận dữ liệu và nghiên cứu ICIJ Mar Cabra. Fusion nhận định tìm ra con số chính xác người Mỹ trong “Tài liệu Panama” là một công việc khó khăn.
Nhiều nghi vấn đặt ra khi quá ít bóng dáng người Mỹ trọng các thông tin mới công bố. Báo cáo của Thượng viện Mỹ năm 2014 ước tính mỗi năm Mỹ thất thoát 150 tỉ USD tiền thuế thu nhập vì các công ty cảnh ngoại. Chuyên gia về hoạt động tài chính hải ngoại Mỹ Jack Blum nhận định “Tài liệu Panama” là một bộ dữ liệu khổng lồ vì thế cần phải có thêm thời gian để xác định những cá nhân tại Mỹ. Trong khi đó, cựu Giám đốc Phòng Tội phạm tài chính thuộc Cơ quan Truy quét ma túy Mỹ (DEA) Don Semensky cho rằng các cá nhân Mỹ có thể sử dụng các pháp nhân ở các quốc gia khác thay mình làm việc với các công ty cảnh ngoại.
Một khả năng khác, theo GS Shima Baradaran Baughman thuộc ĐH Utah và nhà kinh tế học James Henry, người Mỹ có thể thành lập công ty ma từ ngay trên đất Mỹ mà không cần phải nhờ đến Mossack Fonseca.
Các chuyên gia đều nhận định người Mỹ không trong sạch gì hơn các nước khác. Theo James Henry, các cá nhân người Mỹ là một trong những người đầu tiên sử dụng các công ty cảnh ngoại. Những năm 1970, khoảng 200 người nổi tiếng, doanh nhân, mafia mở tài khoản cảnh ngoại thông qua Ngân hàng Castle Bank & Trust của Bahamas.
Ông James Henry cho rằng vấn đề lớn nhất Mỹ cần quan tâm là thế giới ngầm công ty ma ở Mỹ, cái đã làm Mỹ mất hàng trăm tỉ USD tiền thuế mỗi năm. Trong khi Bộ Tư pháp Mỹ tuyên bố sẽ rà soát “Tài liệu Panama” thì trong ngày 5-4 Tổng thống Mỹ Obama cũng yêu cầu Quốc hội xem xét lại hệ thống thuế thu nhập doanh nghiệp của Mỹ.
Châu Á dần biến động Ngày 5-4, Bộ Ngoại giao và Cơ quan quản lý tiền tệ Singapore thông báo đang xác minh thông tin trong “Tài liệu Panama”, báo Strait Times (Singapore) cho biết. Bộ Ngoại giao Singapore khẳng định nước này sẽ có hành động kiên quyết nếu phát hiện có bằng chứng cho thấy có cá nhân, tổ chức ở Singapore có hành vi sai trái. Singapore có luật thuế rất nghiêm ngặt, quan điểm rất cứng rắn về trốn thuế và sẽ “không để mình trở thành một thiên đường của những tội phạm trốn thuế”. Cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Arun Jaitley cho biết Ấn Độ đã lập một ban hành động liên cơ quan xem xét, điều tra từng cái tên đề cập trong “Tài liệu Panama”. Ông Arun Jaitley khẳng định sẽ không khoan nhượng nếu phát hiện bất kỳ vi phạm nào. Danh sách “Tài liệu Panama” công bố có hơn 500 công dân Ấn Độ, trong đó có nhiều ngôi sao điện ảnh và các nhà công nghiệp, theo báo Indian Express - một thành viên của ICIJ. Indonesia cũng sẽ điều tra những cái tên bị nêu trong “Tài liệu Panama”, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Brodjonegoro khẳng định. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi từ chối bình luận về những “cáo buộc vô căn cứ trong “Tài liệu Panama””. Theo báo Washington Post (Mỹ), Trung Quốc và Nga bác bỏ mọi thông tin bất lợi cho các quan chức chính phủ có trong “Tài liệu Panama” và đã kiểm duyệt thông tin về “Tài liệu Panama” trên Internet. Panama cảm thấy không công bằng Ngày 5-4, ông Alvaro Alemán, Chánh Văn phòng Tổng thống Panama Juan Carlos Varela, chỉ trích Pháp cũng như một số nước khác thực hiện chiến dịch chống Panama, không công bằng khi cáo buộc Panama khuyến khích tham nhũng, theo báo USA Today (Mỹ). Ông Alvaro Alemán khẳng định chính phủ Panama sẽ hỗ trợ các nước điều tra Công ty Mossack Fonseca. Bản thân Bộ Tư pháp Panama đã tiến hành điều tra cuộc rò rỉ “Tài liệu Panama” cũng như hoạt động nội bộ của Công ty Mossack Fonseca. Bộ Kinh tế và Tài chính Panama cho biết sẽ điều tra toàn bộ các công ty luật ở Panama có dịch vụ thành lập công ty hải ngoại cho khách hàng. Ông Ramon Fonseca, đồng sáng lập Công ty Mossack Fonesca cho biết đã đệ đơn kiện lên các công tố viên Panama, cáo buộc “Tài liệu Panama” đã bị “đánh cắp”. Theo ông Ramon Fonseca, có thể tin tặc tấn công vào hệ thống bảo mật của Công ty Mossack Fonesca từ một địa điểm nào đó ở châu Âu và đánh cắp “Tài liệu Panama”. |