Mỹ khẳng định lá chắn tên lửa vừa mới kích hoạt ở căn cứ không quân Deveselu, Romania chỉ nhằm bảo vệ các đồng minh trước mối đe dọa tên lửa từ Iran. “Miễn khi nào Iran tiếp tục phát triển và triển khai các tên lửa đạn đạo, Mỹ sẽ phối hợp với các nước đồng minh để bảo vệ NATO” - Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Work tuyên bố.
Phát biểu trước báo giới, ông Work nói rằng lá chắn tên lửa sẽ không được sử dụng để chống lại bất kỳ mối đe dọa tên lửa nào từ Nga trong tương lai. “Không có kế hoạch nào để làm điều đó”.
Trước đó, Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ ông Frank Rose cảnh báo tên lửa đạn đạo của Iran có thể tấn công các khu vực tại châu Âu, trong đó có Romania.
Tuy nhiên, người phát ngôn điện Kremlin ông Dmitry S. Peskov nhấn mạnh: “Ngay khi mọi chuyện bắt đầu, các chuyên gia Nga khẳng định việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa đặt ra mối đe dọa nhất định đối với Liên bang Nga. Nga đang đưa ra các biện pháp nhằm đảm bảo mức độ an ninh cần thiết cho mình”.
Trung tâm chỉ huy địa điểm phòng thủ tên lửa đạn đạo vừa mới mở tại căn cứ không quân Deveselu, Romania hôm 12-5. (Ảnh: REUTERS)
Văn phòng Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Moscow nghi ngờ mục đích bảo vệ các nước NATO chống lại tên lửa của Iran theo sau thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Tehran và các cường quốc hồi năm ngoái. “Tình hình với Iran đã thay đổi đáng kể” - ông Peskov nói.
Điện Kremlin cho biết mục đích của lá chắn là chặn kho vũ khí hạt nhân của Moscow đủ lâu để Mỹ tấn công Nga trong trường hợp có chiến tranh. Đáp lại, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng phòng thủ tên lửa không nhằm làm suy yếu kho vũ khí hạt nhân chiến lược của Nga.
Trong một diễn biến khác, theo kế hoạch trong ngày 13-5, Mỹ sẽ động thổ địa điểm cuối cùng tại Ba Lan nằm trong tuyến phòng thủ tên lửa xuyên châu Âu. Sau khi hoàn thành, chiếc ô phòng thủ dự kiến sẽ kéo dài từ Greenland tới quần đảo Azores.
Khi có bất kỳ một vụ bắn tên lửa đạn đạo nào xảy ra trong khu vực, hệ thống này ngay lập tức sẽ phát hiện, theo dõi và phát lệnh tiêu diệt tên lửa bên ngoài vũ trụ, ngay trước khi nó quay lại bầu khí quyển Trái đất.
Phản ứng trước các động thái của NATO gần đây, Nga còn nói rằng NATO đang cố gắng bao vây nước này tại biển Đen. Cả quân đội Nga và NATO đều đang cân nhắc tăng cường tuần tra tại biển Đen trong thời gian tới.
“Đây là một phần trong chiến lược ngăn chặn quân sự và chính trị Nga” - Andrey Kelin, một quan chức cao cấp thuộc Bộ Ngoại giao Nga nói hôm 12-5. “Những quyết định này của NATO chỉ làm trầm trọng thêm tình hình vốn đã bất ổn” - vị này nhấn mạnh.