Các doanh nghiệp (DN) Việt Nam sản xuất sản phẩm bị điều tra được nêu trong đơn kiện bao gồm ba công ty: Công ty TNHH Sujia Steel Pipe, Công ty TNHH Vietnam Pipe, Công ty TNHH Thép SeAH Việt Nam. Tuy nhiên, phía nguyên đơn là các DN ngành thép Mỹ cũng lưu ý rằng còn nhiều các DN xuất khẩu từ Việt Nam chưa được biết tới.
Biên độ phá giá mà nguyên đơn cáo buộc đối với các DN xuất khẩu Việt Nam ở mức rất cao là 103,83%. Tương tự các vụ điều tra chống bán phá giá trước đây của Mỹ, nguyên đơn sẽ yêu cầu DOC áp dụng phương pháp chống bán phá giá đối với nền kinh tế phi thị trường đối với Việt Nam, tức là sử dụng các giá trị thay thế nước ngoài để xác định giá trị thông thường, từ đó tính toán biên độ phá giá.
Trên thực tế, năm 2011 Mỹ đã từng tiến hành đồng thời điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với cùng sản phẩm ống thép nêu trên từ Việt Nam và một số quốc gia (trong đó có Oman và UAE cùng xuất hiện trong vụ việc này). Tuy nhiên, vụ điều tra đã được chấm dứt do DOC đã xác định biên độ trợ cấp của các DN Việt Nam là 0% đồng thời ITC đã đưa ra kết luận cuối cùng là không có thiệt hại đối với ngành sản xuất ống thép của Mỹ. Như vậy, trong trường hợp được khởi xướng, đây sẽ là vụ việc điều tra chống bán phá giá thứ hai của Mỹ đối với sản phẩm ống thép cuộn cacbon của Việt Nam và là vụ việc thứ sáu đối với sản phẩm thép nói chung của Việt Nam trong năm 2015.
Theo quy định của pháp luật Mỹ, trong vòng 20 ngày kể từ ngày đơn kiện hợp lệ được nộp chính thức, DOC sẽ bắt đầu tiến hành khởi xướng điều tra. Trong thời gian này, các nhà sản xuất, xuất khẩu sản phẩm ống thép cuộn cacbon bị điều tra của Việt Nam cần tập hợp lực lượng, chuẩn bị các công việc cần thiết để kịp thời ứng phó với vụ kiện nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.