Gần một tuần sau thông tin về cái chết của lãnh đạo chính trị nhóm vũ trang Hồi giáo Hamas - ông Yahya Sinwar, nhóm này vẫn thể hiện quyết tâm chiến đấu với Israel tới cùng và tuyên bố rằng sẽ không thả các con tin Israel cho đến khi cuộc chiến ở Dải Gaza kết thúc.
Cùng lúc đó, tại biên giới Israel-Lebanon, giao tranh giữa lực lượng Israel với nhóm vũ trang Hezbollah leo thang nghiêm trọng. Đầu tuần này, Israel tuyên bố đã tấn công hơn 3.200 mục tiêu Hezbollah kể từ ngày 1-10. Ngoài ra, Trung Đông cũng đang thấp thỏm trước khả năng Israel tung đòn trả đũa sau loạt tên lửa đạn đạo từ Iran.
Trước những diễn biến trên, Washington - đồng minh hàng đầu của Israel - đang nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng khu vực, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ sắp bước vào cuộc bầu cử tổng thống cực kỳ quan trọng.
Mỹ dốc sức ổn định Trung Đông
Ngày 21-10, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đến Trung Đông. Đây là chuyến công du thứ 11 của ông Blinken đến khu vực chỉ trong một năm qua. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết chuyến đi của ông Blinken nhằm thúc đẩy các giải pháp ngoại giao chấm dứt chiến sự ở Dải Gaza và làm giảm thang cuộc xung đột ở Lebanon.
Trong ngày 22-10, Ngoại trưởng Blinken có mặt ở Israel và gặp Thủ tướng Benjamin Netanyahu cùng nhiều quan chức Israel.
Chuyến công du của ông Biden ở Trung Đông dự kiến kéo dài một tuần. Ngoại trưởng Mỹ cũng sẽ đến Jordan và Qatar. Các quan chức Mỹ cho biết ông Blinken đang tập trung vào các kế hoạch tái thiết và quản lý Dải Gaza sau xung đột - điều cần thiết để đạt được thỏa thuận ngừng bắn.
Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng ông Blinken cũng sẽ thảo luận về hành động trả đũa dự kiến của Israel đối với cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo của Iran hôm 1-10. Theo giới quan sát, đây là một vấn đề cực kỳ quan trọng với Mỹ vì một đòn trả đũa từ Israel vào Iran có thể làm gián đoạn thị trường dầu mỏ, đẩy giá dầu tăng cao, cũng như châm ngòi cho căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Washington và Tehran.
Mới đây, phái đoàn Iran tại Liên Hợp Quốc (LHQ) cho rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thể hiện “sự chấp thuận ngầm và sự ủng hộ rõ ràng” cho hành động trả đũa tiềm tàng của Israel nhằm vào Iran. Phái đoàn cảnh báo rằng Iran sẽ coi Mỹ là “đồng lõa” nếu Washington “tiếp tay cho Israel bằng cách cung cấp vũ khí tiên tiến”. Do đó, điều này có thể gây xáo trộn cuộc bầu cử sắp diễn ra của Mỹ và đòi hỏi nỗ lực lớn hơn từ Washington trong việc kiềm chế Israel.
Bên cạnh các chuyến công du của ông Blinken ở Trung Đông, ông Amos Hochstein - đặc phái viên của tổng thống Mỹ - cũng có hơn 5 chuyến đi đến Israel và Lebanon trong năm qua.
Ngày 21-10, ông Hochstein đã hội đàm với các quan chức Lebanon về điều kiện ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah. Ông Hochstein thúc giục các bên thực hiện đầy đủ nghị quyết 1701 của LHQ về kêu gọi miền nam Lebanon không có bất kỳ quân đội hay vũ khí nào ngoài vũ khí của nhà nước Lebanon.
Tuần qua, Ngoại trưởng Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cũng đã gửi bức thư chung cảnh báo Israel rằng Mỹ có thể cắt viện trợ quân sự với Israel nếu tình hình nhân đạo ở Dải Gaza không được cải thiện.
Theo CNN, chuyến thăm của Ngoại trưởng Blinken diễn ra vào thời điểm quan hệ giữa Mỹ và Israel đang căng thẳng khi Washington cảnh báo có thể ngừng cung cấp vũ khí cho Tel Aviv nếu tình hình nhân đạo ở Gaza không được cải thiện.
Vụ rò rỉ thông tin tình báo của Mỹ về các kế hoạch chiến đấu của Israel có nguy cơ làm quan hệ hai nước đi xuống.
Liệu những nỗ lực của Washington sẽ đạt kết quả?
Đến nay, tiếng nói của Mỹ vẫn chưa đủ sức thuyết phục để Israel chấm dứt giao tranh ở Dải Gaza và Lebanon, cũng như nối lại đàm phán.
Theo tờ The New York Times, vài giờ sau cái chết của lãnh đạo Hamas Sinwar, ông Biden nói rằng “đã đến lúc cuộc chiến phải kết thúc”. Tổng thống Mỹ cùng các cố vấn đã bắt tay vào vạch ra kế hoạch hạ nhiệt chảo lửa Trung Đông bằng cách thúc đẩy thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza và kêu gọi Israel ngưng các cuộc tấn công ở Lebanon.
Tuy nhiên, ông Netanyahu không nghĩ vậy. “Cái ác đã phải chịu một đòn nặng nề, nhưng nhiệm vụ trước mắt của chúng ta vẫn chưa hoàn thành” - ông Netanyahu nói, cho thấy ông vẫn muốn theo đuổi mục tiêu ban đầu của Israel là loại bỏ hoàn toàn Hamas khỏi Dải Gaza.
Sự khác biệt này không phải lần đầu ông Biden và ông Netanyahu có quan điểm trái ngược nhau. Xuyên suốt một năm xung đột, chính quyền ông Biden đã nhiều lần "mệt mỏi" trước "quyết tâm chiến thắng" của ông Netanyahu.
Đỉnh điểm là vào đầu tháng 8, sau khi lãnh đạo chính trị Hamas Ismail Haniyeh bị ám sát ở Iran mà Tehran nghi do Israel thực hiện, ông Biden đã lập tức gọi điện cho ông Netanyahu với thái độ “cứng rắn”, kêu gọi ông Netanyahu chấm dứt mọi leo thang căng thẳng trong khu vực, lập tức chuyển hướng sang đàm phán ngừng bắn ở Dải Gaza.
Mới đây, hôm 19-10, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng ông Netanyahu đã gọi điện cho ông, cho biết nhà lãnh đạo Israel sẽ không nghe lời Tổng thống Biden liên quan xung đột giữa Israel với Hamas và Hezbollah. “Bibi không nghe lời ông Biden và Israel đang ở vị thế vững chắc hơn so với ba tháng trước” - ông Trump nói, sử dụng biệt danh của Thủ tướng Netanyahu.
Theo các chuyên gia, “vị thế vững chắc” mà ông Trump đề cập có thể là việc Israel gần đây hạ sát loạt lãnh đạo các nhóm vũ trang ở Trung Đông.
Về đòn trả đũa dự kiến của Israel nhằm vào Iran, tuần qua, đài CNN dẫn các nguồn tin rằng ông Netanyahu đã đảm bảo với Mỹ rằng cuộc phản công sẽ chỉ giới hạn ở các mục tiêu quân sự chứ không nhắm vào các cơ sở dầu mỏ hay hạt nhân.
Trở lại tháng 4, khi đáp trả đòn tấn công đầu tiên của Iran, Thủ tướng Netanyahu đã nghe theo lời khuyên của Tổng thống Biden rằng không nên leo thang bằng một cuộc phản công lớn vì việc Israel đỡ được các tên lửa Iran đã là một chiến thắng.
Lần này không rõ Israel sẽ tính toán thế nào vì bối cảnh hiện tại không giống 6 tháng trước. Vào tháng 4, cuộc chiến của Israel ở Gaza bị đánh giá là “sa lầy” khi giới lãnh đạo Hamas vẫn hoạt động tích cực trong các đường hầm. Tại biên giới phía bắc, Israel vẫn chưa mở mặt trận thứ hai chống lại Hezbollah.
Nhưng hiện tại, sau các vụ việc máy nhắn tin và máy bộ đàm phát nổ ở Lebanon cũng như việc hai lãnh đạo cấp cao nhất của Hamas bị ám sát, Israel đã lấy lại được yếu tố bất ngờ và lợi thế quân sự rõ ràng. Chuyên gia cho rằng không có khả năng các chỉ huy quân đội và các cơ quan tình báo của Israel muốn giảm bớt áp lực lên đối phương khi họ đang dần khôi phục danh tiếng và hướng tới việc đạt được mục tiêu của mình.
Các nước Ả Rập hỗ trợ Mỹ xoa dịu Iran
Sự lo ngại ngày càng tăng về việc Mỹ không thể giảm căng thẳng ở Trung Đông đang thúc đẩy một số đồng minh Ả Rập của Washington tăng cường tương tác với Iran, theo CNN.
Trong vài tháng qua, các quốc gia Ả Rập đã tận dụng mối quan hệ vừa khôi phục với Tehran nhằm ngăn chặn một cuộc chiến tranh khu vực.
Đầu tháng này, Thái tử Saudi Arabia Mohamed bin Salman đã hội đàm với Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi tại thủ đô Riyadh (Saudi Arabia). Đây là cuộc họp thứ ba giữa các quan chức Iran và Saudi Arabia trong vòng một tháng.
Ngoại trưởng Iran cũng có cuộc gặp với Vua Abdullah II của Jordan và thực hiện chuyến công du hiếm hoi đến Ai Cập để gặp Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi. Ông Araghchi cũng đến Qatar, Oman, Bahrain và Kuwait để gặp lãnh đạo các quốc gia này.
“Tất cả [các nước mà tôi đến thăm] đều đảm bảo rằng không phận và lãnh thổ của họ sẽ không được sử dụng để tấn công Iran” - ông Araghchi phát biểu sau các chuyến công du.