Mỹ, NATO: Khó dự đoán được diễn biến và thời gian kết thúc xung đột tại Ukraine

(PLO)-  Mỹ và NATO cho biết mục đích của khối là đảm bảo cho Ukraine có đủ khả năng tự vệ trước chiến dịch quân sự của Nga.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Phát biểu tại cuộc họp báo chung ở thủ đô Washington hôm 1-6, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Tổng thư ký NATO (khối quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) Jens Stoltenberg cho rằng cuộc xung đột tại Ukraine có thể kết thúc tại bàn đàm phán, nhưng nhấn mạnh rằng Ukraine phải đảm bảo khả năng tự vệ để củng cố vị thế tại các cuộc đàm phán hòa bình.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (trái) và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: NATO

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (trái) và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: NATO

Hai quan chức cấp cao của Mỹ và NATO khẳng định rằng diễn biến trên chiến trường sẽ ảnh hưởng tới các cuộc đàm phán trong tương lai, hãng tin Al Jazeera đưa tin.

“Các cuộc chiến không thể nào đoán trước được. Chúng tôi có thể dự đoán cuộc xung đột này nhưng diễn biến như thế nào thì rất khó để dự đoán. Những gì chúng tôi biết được là các cuộc chiến đều kết thúc ở một giai đoạn nào đó trên bàn đàm phán” - ông Stoltenberg nói với các phóng viên.

Ông nói thêm rằng NATO đang ủng hộ quyền tự vệ chính đáng của Ukraine trong khi tin tưởng giới lãnh đạo của Kiev sẽ đưa ra quyết định về các cuộc đàm phán với Moscow.

Trong khi đó, ông Blinken nói rằng việc Mỹ và NATO đang làm là đảm bảo cho Ukraine có trong tay những gì nước này cần để chống lại và đẩy lùi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga cũng như đảm bảo cho Kiev có vị thế mạnh nhất có thể trong bất kỳ cuộc đàm phán nào với Moscow.

Ngoại trưởng Mỹ thừa nhận rất khó để dự đoán được quỹ đạo hay thời gian kết thúc của cuộc xung đột.

“Chúng tôi không thể nói khi nào và chính xác thế nào. Những gì chúng tôi có thể nói là việc mà chúng tôi sẽ làm đảm bảo cho người Ukraine có các phương tiện để tự vệ và vị thế mạnh nhất có thể ở mỗi bước đi" - ông Blinken nói.

Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine, Mỹ và các đồng minh đã liên tục cung cấp thiết bị quân sự cho Ukraine. Vào tháng trước, Quốc hội Mỹ đã phê chuẩn gói viện trợ bổ sung hơn 40 tỉ USD cho Ukraine. Vào hôm 1-6, Tổng thống Biden công bố gói viện trợ vũ khí mới trị giá 700 triệu USD cho Kiev. Gói viện trợ này cung cấp cho Ukraine “những khả năng mới và vũ khí tiên tiến”, trong đó bao gồm hệ thống tên lửa cơ động cao HIMARS.

Washington cho biết mục đích của gói viện trợ là để giúp Ukraine đối phó với những thay đổi của cuộc xung đột.

“Những gì người Ukraine cần để đối phó với các mối đe dọa ở Kiev rất khác so với những gì họ cần để đối phó với diễn biến hiện tại ở miền nam và đông Ukraine” - ông Bliken cho hay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm