Trong khuôn khổ kỳ họp thứ 70 của Đại hội đồng LHQ, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại trụ sở LHQ ở New York sau 17 giờ ngày 28-9 (giờ địa phương). Đây là cuộc hội đàm chính thức đầu tiên giữa hai ông từ hơn hai năm nay.
100 phút hội đàm
Sau cái bắt tay ngắn ngủi trước báo chí, hai tổng thống đã bước vào phòng họp để hội đàm kín. Hãng tin Sputnik (Nga) ghi nhận cuộc hội đàm kéo dài một giờ 40 phút thay vì 55 phút như dự kiến.
Reuters dẫn nguồn tin từ một quan chức Mỹ giấu tên cho biết trong hội đàm, 50% thời gian hai nhà lãnh đạo thảo luận về Syria và thời gian còn lại họ đã thảo luận về Ukraine.
Tổng thống Obama khẳng định Syria không thể ổn định nếu Tổng thống Syria Bashar al-Assad còn tại vị. Ông cũng lo ngại thỏa thuận Minsk đã ký hồi tháng 2 về giải quyết xung đột ở Ukraine không được thực hiện đầy đủ.
Cuối cùng hai nhà lãnh đạo đã nhất trí khai thác nhiều phương án cho một giải pháp chính trị (có thể khác biệt) về tương lai của Tổng thống Bashar al-Assad.
Hai bên cũng nhất trí nguyên tắc hai quân đội trao đổi chiến thuật với nhau để tránh đối đầu trong các chiến dịch sắp tới ở Syria.
Hai ngoại trưởng Mỹ và Nga sẽ tiếp tục thảo luận chính trị về tình hình Syria. Lầu Năm Góc sẽ phụ trách tổ chức trao đổi giữa sĩ quan hai nước.
Tổng thống Nga Putin bắt tay Tổng thống Mỹ Obama trước hội đàm. Ảnh: AP
Về phần Tổng thống Nga Putin, phát biểu tại cuộc họp báo sau hội đàm, ông đánh giá hội đàm Mỹ-Nga diễn ra thẳng thắn và có kết quả, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về vấn đề Nga cam kết chống Nhà nước Hồi giáo ở Syria.
Khi báo chí hỏi về sự kiện Pháp và Úc đã không kích Nhà nước Hồi giáo ở Syria và Nga thì sao, ông Putin trả lời: “Chúng tôi đang suy nghĩ điều đó. Chúng tôi không loại trừ. Nhưng nếu chúng tôi tiến hành thì chúng tôi sẽ tuân thủ hoàn toàn luật pháp quốc tế”.
Ông khẳng định Nga sẽ không bao giờ tham gia chiến dịch bộ binh chống quân Nhà nước Hồi giáo tại Syria và Nga sẽ không loại trừ khả năng hợp tác với phương Tây trong các chiến dịch quân sự chống Nhà nước Hồi giáo trong khuôn khổ của LHQ.
Liên quan đến Tổng thống Bashar al-Assad, ông bày tỏ quan điểm: “Chính nhân dân Syria quyết định số phận của ông Bashar al-Assad chứ không phải Barack Obama hay François Hollande”.
Nga kêu gọi lập liên minh
Trước đó, cùng ngày 28-9, hai tổng thống Mỹ và Nga đã phát biểu trên diễn đàn Đại hội đồng LHQ.
Tổng thống Obama khẳng định Mỹ sẵn sàng thảo luận với Nga và Iran về lối ra của cuộc xung đột Syria. Ông chỉ trích Nga khăng khăng ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad.
Đến phần phát biểu của Tổng thống Nga Putin, ông đã lặp lại sáng kiến đưa ra hồi tháng 5. Đó là thành lập một liên minh rộng rãi chống Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria.
Ông so sánh liên minh này sẽ giống liên minh chống Hitler trong Chiến tranh thế giới thứ hai.
Ông khẳng định trong liên minh nhất thiết sẽ có Mỹ, Nga và các nước Ả Rập giữ vai trò then chốt. Ông nhấn mạnh nếu không hợp tác với chính phủ và quân đội Syria để đấu tranh chống Nhà nước Hồi giáo thì đây là một sai lầm to lớn.
Đây là bài phát biểu đầu tiên của Tổng thống Putin trên diễn đàn Đại hội đồng LHQ trong 10 năm qua.
Cùng ngày 28-9, Đại sứ Nga tại LHQ Vitaly Churkin thông báo với báo giới Tổng thống Putin đã đề nghị Hội đồng Bảo an LHQ ra nghị quyết ủng hộ thành lập một liên minh chính trị và quân sự quốc tế để đấu tranh chống Nhà nước Hồi giáo ở Syria. Trong liên minh phải có Iran và chính phủ Syria.
- Đài truyền hình Nga RT đưa tin sau hội đàm Mỹ-Nga, báo chí Nga đã hỏi Tổng thống Putin về quan hệ tiếp xúc riêng với Tổng thống Obama, ông cho biết hai người vẫn trao đổi qua điện thoại và gặp gỡ không chính thức trong các sự kiện quốc tế. Báo chí hỏi lúc hai ông cụng ly trong bữa ăn trưa ngày 28-9 (ảnh), Tổng thống Putin cười nói: “Chúng tôi chúc mừng sức khỏe của ông Ban Ki-moon và LHQ thôi mà”. - Ngày 28-9 tại New York, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng hợp tác với tất cả các nước, kể cả với Nga, để tìm kiếm giải pháp chính trị cho Syria. Tuy nhiên, ông khăng khăng cho rằng trong nước Syria mới sẽ không có chỗ cho Tổng thống Bashar al-Assad hay Nhà nước Hồi giáo. Thổ Nhĩ Kỳ là cửa ngõ xâm nhập Syria của các phần tử thánh chiến. - Trên diễn đàn Đại hội đồng LHQ hôm 28-9, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã phát biểu quan điểm tương tự Nga. Ông chỉ trích đến giờ này cộng đồng quốc tế đã chứng tỏ thất bại đối với các cuộc xung đột ở Iraq, Syria, Yemen. Ông kêu gọi: “Tôi mong muốn mời gọi mọi người, đặc biệt là các nước trong khu vực của tôi, tham gia xây dựng một mặt trận chung chống chủ nghĩa cực đoan và bạo lực”. _________________________________ Tôi rất tôn trọng những người đồng cấp Mỹ và Pháp nhưng các ông không phải là công dân Syria, vậy thì đừng xen vào chọn lựa lãnh đạo của quốc gia khác. Tổng thống Nga PUTIN |