Ngày 9-7, các nhân chứng ở Vienna (Áo) đã nhìn thấy 10 điệp viên Nga lên máy bay trở về Nga.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố trong bối cảnh tăng cường quan hệ Nga-Mỹ, theo thỏa thuận trao đổi điệp viên giữa Cơ quan Tình báo nước ngoài Nga và Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ, 10 điệp viên Nga đã được trục xuất khỏi Mỹ để đổi lấy bốn điệp viên làm việc cho Mỹ và đồng minh bị Nga bắt giữ trong những năm qua. Bốn điệp viên này đều là người Nga.
Văn phòng tổng thống Nga cũng ra thông báo cho biết Tổng thống Dmitry Medvedev đã ký sắc lệnh ân xá bốn điệp viên sau khi họ nhận tội chống phá nhà nước liên bang Nga.
Tại Mỹ, ngày 8-7, phiên tòa xét xử 10 điệp viên Nga đã khai mạc tại New York. Tòa nhận định 10 điệp viên Nga bị khép tội âm mưu làm gián điệp cho chính phủ nước ngoài mà không đăng ký, tuy nhiên tòa không xét một tội danh nghiêm trọng mà hết 8/10 người có liên quan là tội rửa tiền.
10 điệp viên Nga tại tòa án ở New York (Mỹ) ngày 8-7. Ảnh: GETTY IMAGES
Sau đó, tòa tuyên trả tự do cho các điệp viên sau khi họ nhận tội và cam kết không trở lại Mỹ nếu chưa được chính phủ Mỹ cho phép. Con cái của các điệp viên cũng được trao trả về Nga.
Tòa cũng công bố tên thật của 5/10 điệp viên Nga. Đôi vợ chồng Richard Murphy và Cynthia Murphy có tên thật là Vladimir Guryev và Lydia Guryev. Tên thật của đôi vợ chồng Donald Howard Heathfield và Tracey Lee Ann Foley là Andrey Bezrukov và Elena Vavilova. Juan Lazaro tên thật là Mikhail Vasenkov. Trong năm người còn lại, hai người đã khai tên thật khi bị bắt, còn ba người lâu nay vẫn dùng tên thật lúc ở Mỹ.
10 điệp viên Nga đồng ý giao toàn bộ tiền xuất bản câu chuyện gián điệp của họ cho chính phủ Mỹ. Một số điệp viên còn đồng ý từ bỏ tất cả tài sản, kể cả nhà cửa ở Mỹ. Theo luật sư bào chữa cho điệp viên Vicky Pelaez, chính phủ Nga đã hứa cấp cho điệp viên này một ngôi nhà và tiền lương 2.000 USD/tháng khi quay về Nga.
Việc thỏa thuận trao đổi điệp viên chỉ sau 11 ngày các điệp viên Nga bị bắt giữ cho thấy mối quan hệ giữa Washington và Moscow đã bước vào thời kỳ mới. Đài Truyền hình CNN nhận định Tổng thống Obama đang thiết lập lại mối quan hệ Mỹ-Nga như một chính sách ưu tiên hàng đầu về đối ngoại.
Bốn điệp viên được trao trả cho Mỹ gồm: - Igor Sutyagin, nhà khoa học về hạt nhân làm việc cho CIA, bị bắt năm 1999, bị tuyên án 14 năm tù năm 2004 vì đánh cắp bí mật hạt nhân cho Mỹ. - Aleksandr Zaporozhsky, nguyên đại tá Cơ quan Tình báo nước ngoài Nga, bị bắt năm 2001, bị tuyên án 18 năm tù vì cung cấp cho Mỹ thông tin về tình báo Nga đang hoạt động ở Mỹ. - Sergei Skripal, nguyên đại tá tình báo quân đội Nga, năm 2006 bị kết án 13 năm tù vì làm gián điệp cho MI6 (cơ quan tình báo Anh) trong những năm 1990. - Gennady Vasilenko, nguyên điệp viên Ủy ban An ninh quốc gia Liên Xô (KGB), bị bắt vì sở hữu vũ khí trái phép. Chưa rõ vì sao có tên trong danh sách trao trả. |
THANH ANH (Theo RIA Novosti, Washington Post, New York Times)