Mỹ, Nga và ‘lằn ranh đỏ’ ở Venezuela

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Donald Trump không ít lần phàn nàn về chuyện Tổng thống Barack Obama thiết lập “lằn ranh đỏ” ở Syria nhưng không thực thi. Theo ông Trump, việc Mỹ giảm bớt ảnh hưởng đã mở đường cho Nga tiến vào Syria mà không bị thách thức - điều sẽ không xảy ra nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin nể mặt ông Obama. Và giờ ông Trump lại đang đối mặt với quyết định có hay không chuyện thiết lập “lằn ranh đỏ” ở Venezuela cũng như với ông Putin về vấn đề Venezuela, theo báo New York Times.

Venezuela: Điểm nóng trong quan hệ Mỹ-Nga

Cuối tháng trước có thông tin Nga đưa hai máy bay chở gần 100 quân nhân sang Venezuela. Bản thân ông Trump và nhiều quan chức Mỹ cảnh cáo Nga không được giúp Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, yêu cầu Nga rút quân về.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton nói việc Nga đưa quân đến Venezuela là “một đe dọa trực tiếp đến hòa bình thế giới và an ninh khu vực”. Ông Bolton viện tới học thuyết Monroe và cảnh cáo không nước nào được phép đưa quân vào Tây bán cầu “với ý định thiết lập hoặc mở rộng các chiến dịch quân sự”. Học thuyết Monroe do Mỹ ban hành năm 1823, cảnh cáo các nước bên ngoài không can thiệp vào Tây bán cầu.

Trong khi đó, Đô đốc bốn sao Craig S. Faller, người lãnh đạo Bộ Tư lệnh miền Nam của Mỹ, cho biết quân đội “đang trong vị thế tốt nhất để hành động” và đang chờ chỉ thị từ chính quyền Trump về việc can thiệp quân sự vào Venezuela. Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Foreign Policy, Đô đốc Faller cho biết quân đội Mỹ “đang xem xét một loạt lựa chọn” và “sẽ sẵn sàng” thực thi bất cứ điều gì mà ông Trump quyết định tại Venezuela.

Các tuyên bố này dường như đưa ra một thử nghiệm: Liệu cuối cùng ông Trump - vốn nhiều lần tỏ thái độ hòa hoãn với ông Putin - sẽ thiết lập “lằn ranh đỏ” ở Venezuela và với ông Putin? Và nếu có thì liệu ông Trump có kế hoạch để thực thi “lằn ranh đỏ” này?

Đầu tháng 4, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói Nga không hề có ý muốn biến Venezuela thành một Syria thứ hai. Tuy nhiên, theo New York Times, ông Putin có thể sẽ không bỏ qua cơ hội áp dụng mô hình Syria ở Venezuela, ủng hộ ông Maduro như đã làm với Tổng thống Syria Bashar al-Assad, ngăn cản các mục tiêu của Mỹ ở khu vực. Một ưu tiên của Nga lúc này là lấy lại cho được nhiều tỉ USD mà chính phủ ông Maduro đang nợ. Để làm điều đó, Nga cần có thời gian vì khoản tiền này sẽ được Venezuela trả dần từ từ bằng dầu chứ khó trả một lần.

Lính không quân Nga tại sân bay quốc tế Maiquetia gần thủ đô Caracas (Venezuela) ngày 10-12-2018. Ảnh: AFP

Tới thời điểm này, Tổng thống Maduro vẫn vững vàng ở quyền lực bất kể áp lực về kinh tế (Mỹ gia tăng trừng phạt) và chính trị (khi Mỹ và hơn 50 nước công nhận lãnh đạo đối lập Juan Guaido là tổng thống lâm thời).

Trong khi đó, tới lúc này Mỹ vẫn rất thận trọng trong chuyện đe dọa hành động quân sự với Venezuela. Dù nhiều lần nhắc đi nhắc lại là “mọi phương án đều được cân nhắc” nhưng Mỹ chưa hề đưa ra dấu hiệu nào sẽ can thiệp quân sự. Thay vào đó, Mỹ bắt đầu nói về một cuộc chiến lâu dài làm tiêu hao sinh lực chính phủ ông Maduro.

Phần mình, Venezuela cũng tỏ ra quyết tâm. Chính phủ ông Maduro tuyên bố ông Guaido không được giữ vị trí công quyền trong 15 năm. Chính quyền ông Maduro đã nhiều lần chỉ trích Washington đã can dự vào các hoạt động chính trị nội bộ của nước này.

 “Khoảng cách rất quan trọng. Nga không bảo vệ được sức mạnh mình theo cách họ đã thể hiện ở Syria” - cựu thứ trưởng ngoại giao William J. Burns so sánh khả năng của Nga ở Syria với ở Venezuela, cho rằng khoảng cách địa lý giữa Nga và Venezuela sẽ hạn chế năng lực tạo ảnh hưởng của ông Putin với Venezuela.

Mỹ đủ sức lập giới hạn?

New York Times dẫn nhận định của một số trợ lý của ông Trump gần đây nói rằng có thể tổng thống Mỹ không muốn đi lại bước ông Obama đã từng đi với Syria.

Tháng 8-2011, ông Obama từng tuyên bố “vì quyền lợi của người dân Syria, đã đến lúc Tổng thống Assad phải từ bỏ quyền lực”. Ông Obama cũng cảnh cáo “việc sử dụng vũ khí hóa học là một yếu tố làm thay đổi cục diện”. Tuy nhiên, sau đó ông Obama đã kiềm chế không đi bước hành động quân sự dù xảy ra tấn công vũ khí hóa học ở Syria. Một năm trước, trên Twitter, ông Trump còn chỉ trích quyết định này và cho rằng “nếu Tổng thống Obama bước qua lằn ranh đỏ chính ông đưa ra thì thảm họa Syria đã chấm dứt từ lâu”.

Ông Trump không phải là cá nhân duy nhất chỉ trích cách chính phủ Obama xử lý vấn đề Syria. Một trong những cá nhân cùng quan điểm với ông Trump là thứ trưởng ngoại giao William J. Burns làm việc dưới thời ông Obama. Trong cuốn sách mới xuất bản về ngoại giao Mỹ của mình - The Back Channel - ông Burns có rất nhiều cảnh báo có thể áp dụng cả trong trường hợp Venezuela hiện tại.

Ông Burns đồng tình với cái mà ông gọi là “cách tính toán trò chơi dài hạn” của ông Obama, bao gồm có quy tắc tránh bị sa lầy vào một vướng mắc quân sự nữa ở Trung Đông. Tuy nhiên, ông Burns thừa nhận “trò chơi ngắn hạn” của ông Obama không đủ mạnh. Bởi lẽ một mặt Mỹ đã hứa hẹn quá nhiều khi tuyên bố “Assad phải ra đi” và thiết lập “lằn ranh đỏ”, trong khi mặt còn lại thì quá miễn cưỡng trong hành động.

Trao đổi với New York Times từ London (Anh) cuối tuần trước, ông Burns dù đồng tình với việc chính phủ Trump tránh vướng mắc quân sự tại Venezuela nhưng cũng lo ngại chính phủ này sẽ lặp lại các sai lầm của chính phủ tiền nhiệm Obama ở Syria. Trong khi đó, ông Maduro có thể sẽ rút một số kinh nghiệm từ ông Assad để đối trọng lại Mỹ tốt hơn.

Nhiều nhà quan sát nghiêng về khả năng ông Trump sẽ xây dựng một liên minh bán cầu để giữ ưu thế của mình trong vấn đề Venezuela. Tuy nhiên, theo ông William J. Burns, Thứ trưởng Ngoại giao làm việc dưới thời ông Obama, điều này khả năng lớn sẽ không thành công vì căng thẳng hiện tại giữa Mỹ với các nước châu Mỹ. Đặc biệt khi gần đây ông Trump liên tục đe dọa đóng cửa biên giới với Mexico và chấm dứt hỗ trợ các nước El Salvador, Guatemala, Honduras. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm