Theo báo The Moscow Times, ông Gil cũng tái khẳng định các lực lượng của Nga sẽ ở lại Venezuela cho đến khi nào cần thiết, và rằng không có khoảng thời gian cụ thể nào cho việc họ ở lại quốc gia Nam Mỹ.
“Nhóm chuyên gia quân sự (tại Venezuela) đến đó theo các thỏa thuận và hợp đồng của chúng tôi về việc hợp tác quân sự và kỹ thuật,” tờ báo dẫn lời ông Gil nói.
Trước đó, Điện Kremlin cho biết các chuyên gia quân sự Nga đến Venezuela để phục vụ các hợp đồng đã có sẵn về cung ứng vũ khí của Moscow.
Các quan chức trong chính phủ Mỹ cho hay họ đã nhìn thấy lằn ranh đỏ khi các máy bay của Nga chở các chuyên gia đáp xuống thủ đô Caracas của Venezuela hôm 23-3.
Một chiếc máy bay có gắn cờ Nga tại Sân bay Quốc tế Simon Bolivar ở Caracas, Venezuela, hôm 24-3. Ảnh: REUTERS
Cụ thể, hai máy bay quân sự của Nga An-124 và Il-62 đáp xuống Caracas và được cho là chở theo khoảng 100 binh sĩ cùng các thiết bị. Theo Washington, Nga có thể đã đưa quân nhân đến Venezuela giúp khôi phục hệ thống phòng không S-300.
Đại diện đặc biệt của Mỹ về Venezuela, ông Elliott Abrams tuần trước có nói rằng Ngoại trưởng Mike Pompeo đã có một danh sách những lựa chọn, bao gồm các chế tài, mà Washington có thể áp dụng để đáp trả sự hiện diện của quân đội Nga tại Venezuela.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton thì cảnh báo sự hiện diện quân sự của Nga ở Venezuela, cho rằng bất kỳ động thái nào nhằm thiết lập hoặc mở rộng hoạt động sẽ bị coi là “mối đe dọa trực tiếp” đối với hòa bình quốc tế.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cho đây là “sự khiêu khích không đúng lúc”. Tổng thống Mỹ Donald Trump thì yêu cầu Nga rời khỏi Venezuela và và nói rằng “mọi lựa chọn” đều để ngỏ để làm cho điều đó xảy ra.
Chính quyền Mỹ cho đến nay vẫn ủng hộ thủ lĩnh đối lập Juan Guaido, người tự xưng là tổng thống lâm thời của Venezuela hồi tháng 1. Mỹ đã chỉ trích việc tái đắc cử của Tổng thống Nicolas Maduro, đồng thời áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào chính quyền của ông này.
Giới chức Mỹ để ngỏ khả năng can thiệp quân sự để lật đổ chính quyền của ông Maduro.
Trong khi đó, Nga vẫn giữ lập trường hậu thuẫn chính quyền của Tổng thống Maduro và tỏ ý sẵn sàng đối thoại với Mỹ nhằm tìm kiếm giải pháp ổn thỏa cho cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế tại Venezuela.