Mỹ sẵn sàng trở lại đàm phán hạt nhân với Iran

Ngày 18-2, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết rằng chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden sẵn sàng khởi động lại các cuộc đàm phán với các nước châu Âu và Iran để bắt đầu quá trình tái gia nhập thỏa thuận Hạt nhân Iran 2015 - còn được gọi là Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA), tờ The Hill đưa tin.

“Mỹ sẽ chấp nhận lời mời từ Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU), tham dự cuộc họp của P5 + 1 và Iran để thảo luận cách thức ngoại giao cho chương trình hạt nhân của Iran” - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết.

Tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Mỹ báo hiệu một bước tiếp theo để đảo ngược động thái rút khỏi JCPOA của chính quyền người tiền nhiệm. Trước đó, vào năm 2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố rằng ông sẽ rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm làm tê liệt nền kinh tế Iran.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: REUTERS

Nhóm ký kết thỏa thuận năm 2015 gồm Mỹ, Iran cũng như Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức và Nga. Khác với quan điểm của người tiền nhiệm, ông Biden ủng hộ việc quay trở lại thỏa thuận. Theo đó, ông cho rằng thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 có hiệu quả trong việc giảm thiểu chương trình hạt nhân của Tehran.

Theo hãng tin AFP, vài giờ sau khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói chuyện với những người đồng cấp châu Âu, Mỹ hoan nghênh đề xuất triệu tập các cuộc đàm phán của tất cả các quốc gia nằm trong thỏa thuận hạt nhân Iran 2015. Theo đó, Ngoại trưởng Mỹ đồng ý rằng hiệp định hạt nhân Iran "là một thành tựu quan trọng của ngoại giao đa phương".

Thông qua Twitter, giám đốc chính trị EU Enrique Mora sau đó đã đề xuất một cuộc họp không chính thức với tất cả nước tham gia, nói rằng hiệp định hạt nhân đang ở "thời điểm quan trọng", trước thời hạn cuối tuần để Iran hạn chế một số cuộc thanh tra hạt nhân của Liên Hợp Quốc.

Hiện vẫn chưa rõ liệu chính quyền Tehran có sẵn sàng quay trở lại đàm phán với Washington hay không. Trước đó, Iran đã khẳng định rằng Mỹ phải dỡ các lệnh trừng phạt trước khi nước này trở lại tuân thủ hoàn toàn thỏa thuận năm 2015, đảo ngược các động thái mà họ đã thực hiện để phản đối lệnh trừng phạt của chính quyền ông Trump.

Hôm 18-2, chính quyền ông Biden cho biết họ không yêu cầu Liên Hợp Quốc (LHQ) áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Iran. Trong một bức thư, quyền Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Richard Mills nói rằng các lệnh trừng phạt được cho là sẽ được khôi phục vào tháng 8 "vẫn sẽ được bãi bỏ".

Cựu ngoại trưởng Mike Pompeo lập luận rằng về mặt kỹ thuật, Mỹ vẫn là một bên tham gia hiệp định năm 2015 và đang kích hoạt các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với các vi phạm. Tuy nhiên, các đồng minh thân cận của Mỹ bác bỏ lập luận này và Liên Hợp Quốc cũng nói không có biện pháp trừng phạt bổ sung nào như vậy có hiệu lực.

Hạ nghị sĩ Adam Schiff - Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ - đã đưa ra một tuyên bố bày tỏ sự ủng hộ của ông đối với các cuộc đàm phán mới với Iran.

“Tôi từ lâu đã tuyên bố rằng Iran không được phép có vũ khí hạt nhân. Do đó, tôi hoan nghênh thông báo của Chính quyền ông Biden rằng họ dự định theo đuổi một nỗ lực ngoại giao mới, hợp tác chặt chẽ với các đồng minh châu Âu của Mỹ. Chúng tôi phải khôi phục sự tuân thủ của Iran đối với các nghĩa vụ của họ trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015" - Hạ nghị sĩ Adam Schiff cho hay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới