Mỹ siết ngăn Trung Quốc vung tiền mua công ty Mỹ

Từ đầu năm đến nay Ủy ban về Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) đã bác ít nhất 9 đề nghị mua lại các công ty Mỹ của các nhà đầu tư nước ngoài, một con số cao lịch sử, bằng số đề nghị bị bác của cả năm 2014, hay 2016. Phần lớn đề nghị này là từ các nhà đầu tư Trung Quốc.

Nhiệm vụ của CFIUS xem xét các đề nghị mua công ty Mỹ của các nhà đầu tư nước ngoài có rủi ro đe dọa đến an ninh quốc gia hay không được thắt chặt dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Số nhà đầu tư nước ngoài muốn mua tài sản Mỹ đặc biệt cao trong năm 2017. Hiện CFIUS phải bận rộn thẩm tra từ 250-300 đề nghị bán công ty Mỹ cho nước ngoài, con số kỷ lục so với 147 đề nghị của cả năm 2014.

Có 87 đề nghị mua lại các công ty Mỹ từ các nhà đầu tư nước ngoài được chấp nhận từ đầu năm đến nay, một con số cao kỷ lục so với 77 đề nghị cùng thời điểm năm ngoái.

Công ty chuyển tiền điện tử MoneyGram International Inc của Mỹ được công ty thanh toán tài chính Ant Financial của Trung Quốc đề nghị mua lại với giá 1,2 tỉ USD. Ảnh: REUTERS

Reuters dẫn lời một số luật sư đại diện các công ty Mỹ bị CFIUS bác đề nghị bán cho nước ngoài cho biết phần lớn các đề nghị bị bác thuộc lĩnh vực công nghệ. Lý do tình trạng đe dọa an ninh mạng tăng cao cũng như đà phát triển nhanh của công nghệ khiến công việc đánh giá rủi ro với an ninh quốc gia trở nên khó khăn hơn.

Hầu hết các công ty Mỹ bị CFIUS bác đề nghị bán cho nước ngoài không được công khai. Tuy nhiên cũng có một số công ty chọn cách tự công khai. Trong số này có công ty sản xuất hàng điện tử Mỹ Inseego Corp, định bán MiFi mobile Hotspot - công nghệ phát mạng bằng điện thoại di động – cho công ty sản xuấ điện thoại thông minh TCL Industries Holdings của Trung Quốc. Ngoài ra còn có công ty sản xuất dầu ExL Petroleum Management LLC, muốn bán tài sản cho công ty năng lượng L1 Energy của tỷ phú người Nga Mikhail Fridman.

Các nguồn tin của Reuters tiết lộ một số công ty Trung Quốc đang đề nghị CFIUS duyệt mua các công ty Mỹ. Đó là công ty thanh toán tài chính Ant Financial muốn mua lại công ty chuyển tiền điện tử MoneyGram International Inc của Mỹ với giá 1,2 tỉ USD. Công ty đầu tư Canyon Bridge Capital Partners LLC muốn mua công ty sản xuất chip điện tử Lattice Semiconductor Corp của Mỹ với giá 1,3 tỉ USD.

Công ty đầu tư China Oceanwide Holdings Group Co Ltd muốn mua công ty bảo hiểm nhân thọ Genworth Financial Inc của Mỹ với giá 2,7 tỉ USD. Công ty đầu tư Unic CapitalManagement muốn mua công ty thiết bị bán dẫn Xcerra Corp của Mỹ với giá 580 triệu USD.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin (phải) và Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương tham dự Đối thoại Kinh tế Toàn diện Mỹ-Trung tại Mỹ ngày 19-7. Ảnh: REUTERS

Một số công ty sau khi bị CFIUS bác đề nghị mua bán đã thảo lại đơn đề nghị khác với các điều khoản giảm nhẹ, bớt rủi ro cho an ninh Mỹ hơn. Ant Financial đã từng một lần gửi đề nghị lại cho CFIUS sau khi bị bác lần đầu. Canyon Bridge và China Oceanwide đã gửi đề nghị lần thứ 3. Đơn lần đầu của Unic đang được CFIUS xem xét.

Theo Reuters, việc CFIUS siết đề nghị mua tài sản Mỹ của nước ngoài chủ yếu nhắm vào Trung Quốc, hạn chế tình trạng nhà đầu tư Trung Quốc vung tiền mua tài sản ở nước ngoài. Động thái này diễn ra trong lúc căng thẳng chính trị và kinh tế giữa hai nước đang gia tăng. Ngày 19-7, hai bên đã không thống nhất được biện pháp giảm thiếu hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc.

Trở ngại với các công ty, nhà đầu tư Trung Quốc khi định mua tài sản Mỹ có thể sẽ lớn hơn, đặc biệt trong thời điểm chính phủ Trung Quốc cũng lo lắng với làn sóng vung tiền mua tài sản nước ngoài, muốn hạn chế dòng tiền chảy ra khỏi nước mình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới