Hiện tại, bộ phận vệ tinh định vị Mỹ đang thông báo thiếu nhân lực trầm trọng. Tướng John Hyten, chỉ huy Lực lượng Không quân, đã nói với phóng viên vào tháng 12-2015: “Hai phi công 19 tuổi chính là hai người phát GPS cho cả thế giới sáng nay. Điều đó thật vô lý!”
Không quân hiện đang chuẩn bị thành lập một nhóm mới tại Không đoàn 50 thuộc tổ hợp Căn cứ Không quân Schriever ở Colorado. Nhóm có 352 người, chia thành bốn phi đội, bao gồm các nhà phân tích quỹ đạo, chuyên gia tình báo, chuyên gia thực hiện sứ mệnh và kỹ sư.
Hai nhóm khác nữa sẽ được lập trong năm nay (2016), một tại Không đoàn 21 ở Căn cứ Peterson, một nhóm khác thuộc Không đoàn 460 tại Căn cứ Buckley. Cả hai đều thuộc bang Colorado.
Kế hoạch tăng cường phòng thủ không gian của Lầu Năm Góc dựa trên những mối đe dọa ngắn hạn.
Mỹ quyết định sẽ tăng cường lực lượng không gian
“Thứ mà chúng ta nên tập trung là tương lai ngay trước mắt. Chúng tôi đang chuẩn bị cho các mối đe dọa trong vòng 1-2 năm tới.” – Trung tá Toby Doran nói với tờ báo Defense One.
“Bốn đợt phóng tên lửa của Nga vào năm 2013 và 2014 đã gây sự chú ý lớn” – Brian Weedan, cựu quan chức của Trung tâm Không quân viết trong một bài báo trên The Space Review. Theo tờ Defense One, tướng Hyten tuyên bố rằng Không quân Mỹ luôn quan sát vị trí các vệ tinh Nga “mọi nơi mọi lúc”.
Ngoài ra, không quân cũng bày tỏ lo ngại sau khi Trung Quốc bắn hạ một vệ tinh thời tiết của chính nó vào năm 2007. Dù chỉ là để tháo dỡ vệ tinh đã hư hại, Washington xem hành động này của Bắc Kinh là phô trương khả năng quân sự, thể hiện tiềm năng có thể nhắm bắn bất kỳ vệ tinh nào.
Gần đây, Mỹ cũng đã lên án Triều Tiên sau khi nước này tuyên bố dự định tiến hành phóng vệ tinh vào cuối tháng 2.
Một quan chức Bộ Ngoại giao giấu tên đã nhấn mạnh rằng bất kỳ vụ phóng vệ tinh nào của Bình Nhưỡng cũng sẽ bị xem là “sự vi phạm nghiêm trọng” nghĩa vụ quốc tế của nó.