Ngày 16-11, đăng đàn trả lời trước Quốc hội, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết dự thảo chương trình phổ thông tổng thể không coi nhẹ môn sử mà ngược lại, còn coi trọng hơn chương trình hiện hành.
Ai có thể dạy tích hợp?
Cụ thể, học sinh ở THPT đang học 1,5 tiết lịch sử/ tuần. Trong dự thảo đang lấy ý kiến, học sinh không học chuyên ban khoa học xã hội thì học bình quân 2,5 tiết/tuần. Học sinh vào phân ban khoa học xã hội thì học 4 tiết/tuần. “Tất cả đều là bắt buộc. Như vậy, nội dung và khối lượng kiến thức lịch sử tăng lên” - ông Luận phân giải.
Ông Luận cho biết tinh thần của chương trình mới là theo chủ trương tích hợp. Việc tích hợp là nhằm để tránh trùng lặp nội dung.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng cho biết ngoài nội dung trong môn công dân với Tổ quốc (tích hợp lịch sử, giáo dục an ninh-quốc phòng và đạo đức công dân) thì nội dung lịch sử còn được dự kiến giảng dạy trong văn học, địa lý, âm nhạc, mỹ thuật.
“Không phải chỉ văn học, mà địa lý cũng sẽ gắn với lịch sử. Không phải là tên đất, tên đảo mà gắn với những chiến công, gắn với quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của cha ông. Giáo dục âm nhạc, giáo dục mỹ thuật cũng gắn kết hỗ trợ cho lịch sử. Tôi lấy ví dụ, bây giờ chúng ta dạy cho các cháu cảm thụ về bài hát Câu hò bên bờ Hiền Lương… nếu không gắn với lịch sử thì các cháu không có rung động” - ông Luận dẫn chứng.
Đại biểu Lê Văn Lai chất vấn Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận sáng 16-11. Ảnh: QH
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhắc lại câu hỏi và đề nghị ông Luận trả lời đúng trọng tâm: “Theo quan điểm của Bộ trưởng có còn môn lịch sử với tư cách độc lập trong sách giáo khoa hay không?”.
Ông Luận cho biết ban soạn thảo đang lắng nghe ý kiến toàn dân. “Quan điểm của chúng tôi là nếu tích hợp là nhẹ, không thể làm tăng được thì không tích hợp. Còn nếu tích hợp mà vẫn đảm bảo thì sẽ cho tích hợp. Chúng tôi sẽ làm việc với các chuyên gia giáo dục và chuyên gia lịch sử để có kết luận cuối cùng” - ông Luận khẳng định.
Chưa hài lòng với trả lời của ông Luận, đại biểu Lê Văn Lai cho rằng thời lượng tiến hành dạy lịch sử chỉ là một khía cạnh, còn những yếu tố quan trọng hơn. “Ai? Thầy giáo nào có thể dạy theo kiểu tích hợp? Bộ GD&ĐT chuẩn bị thế nào cho việc dạy tích hợp này? Tôi chưa nhìn thấy sự chuẩn bị cho nên đồng bào, phụ huynh học sinh, kể cả các nhà khoa học thiếu tin tưởng vào chủ trương này” - đại biểu Lai đặt một loạt câu hỏi.
Ông Lai cho rằng việc dạy tích hợp chắc chắn là rất khó. “Bây giờ ta chưa có sự chuẩn bị gì cả về mặt đội ngũ lại làm một việc rất mới chưa có tiền lệ thì tôi rất băn khoăn”.
“Ai viết được sách tôi xin cắp sách đến học”
Về vấn đề viết sách tích hợp, tại hội thảo về môn học lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông vừa diễn ra cũng có nhiều ý kiến băn khoăn.
Theo GS-TS Trần Thị Vinh (khoa sử ĐH Sư phạm Hà Nội), có một bất cập là ai sẽ là người dạy môn công dân với Tổ quốc trong khi các trường ĐH sư phạm hiện nay không đào tạo những giáo viên dạy môn học “lắp ghép” những kiến thức tổng hợp.
Bởi theo ban soạn thảo chương trình, trước mắt giáo viên bộ môn vẫn dạy các nội dung độc lập của ba phân môn như hiện nay. Riêng các chuyên đề tích hợp nhà trường sẽ tùy vào đặc điểm nội dung và năng lực cụ thể của từng giáo viên để phân công.
“Với cách tiếp cận thiếu cơ sở khoa học như vậy, chất lượng các môn học được gọi là “tích hợp” ở cấp THPT sẽ ra sao?” - bà Vinh đặt vấn đề.
Bà Vinh cũng cho rằng việc biên soạn sách giáo khoa, tài liệu giảng dạy, học tập cho môn học “tổng hợp” công dân với Tổ quốc hoàn toàn không thể thực hiện được, bởi bà đã viết thử mấy bài nhưng không thành công.
“Nếu ai có tài giỏi thiết kế được sách giáo khoa tích hợp như thế thì tôi xin cắp sách đến học. Còn tôi không thể làm được” - bà Vinh nói.
Nhiều đại biểu là những nhà sử học, từng tham gia viết sách giáo khoa cũng cho rằng viết sách tích hợp môn lịch sử với an ninh-quốc phòng và giáo dục đạo đức công dân là việc rất khó thực hiện.
Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới đây đưa ra chủ trương tích hợp môn lịch sử vào các môn khác. Cụ thể, ở lớp 1, 2, 3 là môn cuộc sống quanh ta; lớp 4, 5 là tìm hiểu xã hội, THCS là khoa học xã hội và THPT là môn công dân với Tổ quốc. |