Mỹ tiếp tục bảo đảm an ninh biển Đông

Mỹ sẽ bảo đảm các tuyến đường biển an toàn và các tuyến đường không trên Thái Bình Dương luôn mở.

Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cam kết như trên trong bài diễn văn tại Sydney (Úc) hôm 20-7. Trong số cử tọa có ba cựu thủ tướng Úc gồm các ông Bob Hawke, John Howard và Tony Abbott.

Báo The Australian ghi nhận bài phát biểu của ông Joe Biden còn tập trung phản đối tham vọng tôn tạo và quân sự hóa các đảo nhân tạo của Trung Quốc.

Ông nhấn mạnh bây giờ và sắp tới Mỹ vẫn là cường quốc hiện diện trên Thái Bình Dương.

Ông tuyên bố quân đội Mỹ và Úc sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ và cùng bảo đảm an ninh ở Thái Bình Dương tương tự đấu tranh chống Hồi giáo khủng bố ở Trung Đông.

Ông kêu gọi tăng cường hợp tác với các nước châu Á như Philippines, Nhật, Hàn Quốc. Ông cho biết Mỹ đã cam kết từ đây đến năm 2020 sẽ đưa hơn 60% hạm đội và năng lực quân sự tiên tiến nhất đến Thái Bình Dương.

Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm chiến hạm HMAS Adelaide ở Sydney ngày 19-7. Ảnh: GETTY IMAGES

Cùng ngày tại Trung Quốc, trong khuôn khổ chuyến thăm kéo dài trong ba ngày từ ngày 18-7, Đô đốc John Richardson, tham mưu trưởng hải quân Mỹ, đã đến thăm Bộ Tư lệnh hạm đội Bắc Hải ở Thành Đảo và gặp tư lệnh hạm đội Bắc Hải Viên Dự Bách.

AP đưa tin tại Thanh Đảo, Đô đốc Richardson khẳng định các cuộc giao lưu hữu nghị với hải quân Trung Quốc sẽ được xem xét từng trường hợp tùy theo tình hình đối mặt một cách an toàn và chuyên nghiệp trên biển giữa hải quân hai nước.

Ông đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các chiến dịch tuần tra hợp pháp và an toàn trên biển Đông.

Ông khẳng định hải quân Mỹ sẽ tiếp tục các chiến dịch tuần tra theo thông lệ trên toàn thế giới để bảo vệ các quyền, tự do và việc sử dụng hợp pháp đường biển và đường không được dành cho mọi người.

Trong khi đó, tạp chí Forbes ngày 18-7 (giờ địa phương) đã đăng bài viết với tựa đề “Các nguy cơ địa-chính trị gia tăng từ tranh chấp biển Đông”.

Bài viết nêu đánh giá của tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings công bố ngày 13-7 ghi nhận các điểm chủ yếu như sau:

• Tranh chấp ở biển Đông sẽ làm gia tăng tầm quan trọng của địa-chính trị trong chính sách quốc tế của các nước Đông Nam Á.

• Thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực và thế giới sẽ dẫn đến các nguy cơ địa-chính trị phát triển trong thời gian dài với hậu quả gây bất ổn nghiêm trọng về kinh tế và chính trị.

• Tình hình Mỹ giảm ảnh hưởng địa-chính trị và sức mạnh ở châu Á trong thập niên qua cùng với nỗ lực tăng cường hiện diện của Trung Quốc đã làm thay đổi cơ bản về an ninh khu vực.

• Tranh chấp giữa các nước ở biển Đông sẽ làm thay đổi tính năng động địa-chính trị.

Fitch Ratings nhận định khả năng leo thang và xung đột ở biển Đông có thể xảy ra xuất phát từ tính toán nhầm lẫn của chỉ một phi công trẻ hay một thủy thủ trong bối cảnh các nước gia tăng vũ trang và Mỹ gia tăng tuần tra ở biển Đông.

Báo Inquirer (Philippines) đưa tin thượng nghị sĩ Mỹ Christopher Murphy đã viết trên Twitter tiết lộ tại cuộc gặp với phái đoàn Quốc hội Mỹ hôm 19-7 tại Manila, Tổng thống Rodrigo Duterte khẳng định Philippines sẽ không đàm phán với Trung Quốc về các thực thể tranh chấp trên biển Đông. Đây là các nghị sĩ Mỹ đầu tiên gặp ông Duterte sau khi ông nhậm chức. Dự kiến ngày 26 và 27-7, Ngoại trưởng John Kerry sẽ đến Philippines. Ông sẽ yết kiến tổng thống và hội đàm với người đồng cấp Perfecto Yasay.

_________________________________

8 nghị viên Đài Loan do ông Giang Khải Thần dẫn đầu đã đến thăm phi pháp Ba Bình ngày 20-7.

_______________________________

Chúng tôi sẽ không đi đâu hết. Đây là điều sống còn vì sự hiện diện của chúng tôi trong khu vực cốt yếu để duy trì hòa bình và ổn định.

Phó Tổng thống Mỹ JOE BIDEN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới