Theo các chuyên gia kiểm soát vũ khí, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) dễ gây ra tai nạn chiến tranh hạt nhân nhất trong kho vũ khí hạt nhân của Mỹ.
Theo chuyên gia về hạt nhân Bruce Blair, trong trường hợp nhận được tin báo nước Mỹ bị tấn công, Tổng thống Donald Trump sẽ chỉ có tối đa 10 phút để quyết định bắn trả. Ông sẽ không có đủ thời gian kiểm chứng thông tin. Ngoài ra, địa điểm các trạm tên lửa của Mỹ cũng dễ bị lộ. Các đối thủ đủ khả năng phá hủy chúng ngay từ lần tấn công đầu tiên trước khi Mỹ kịp đáp trả.
Nguy cơ “bấm nhầm nút”
Các hệ thống cảnh báo sớm của Mỹ không phải hoàn hảo, không loại trừ sai lầm do con người hay kỹ thuật. Thực tế Mỹ và Nga đã từng không ít lần có nguy cơ phạm phải sai lầm tấn công hạt nhân. Năm 1985, một máy tính của Bộ chỉ huy Chiến lược Mỹ phát đi cảnh báo mức cao nhất rằng Liên Xô đã bắn 200 tên lửa ICBM vào Mỹ. May mắn là Mỹ kịp thời phát hiện đây chỉ là lỗi máy tính và bấm nhầm nút bắn trả. Hai tuần sau, lại một lần nữa Mỹ gặp “cảnh báo ma”. Lỗi sau đó được xác định là ở bản mạch điện tử.
Năm 1995, Tổng thống Nga Boris Yeltsin đã từng đặt ngón tay lên nút kích hoạt tấn công hạt nhân sau khi Nga phát hiện một tên lửa được cho là của Mỹ được bắn đi từ Na Uy. May mắn phía Nga cũng phát hiện kịp thời đó không phải là một tên lửa hạt nhân mà là một tên lửa nghiên cứu khoa học vô hại. Na Uy đã báo trước với Nga về vụ phóng này nhưng hệ thống radar của Nga không ghi nhận được thông tin.
Vấn đề được đặt ra là loại ICBM mang tên Minuteman III hiện tại của Mỹ một khi được phóng đi sẽ không thể triệu hồi. Chúng không được trang bị thiết bị liên lạc vì Mỹ sợ kẻ thù sẽ dò ra được và chiếm quyền. Điều này khiến cái giá phải trả của việc “bấm nhầm nút” là quá đắt.
Giám sát một vụ thử tên lửa ICBM Minuteman III tại căn cứ không quân Vanderberg, California (Mỹ) ngày 27-5. Ảnh: REUTERS
Chỉ còn bộ đôi hạt nhân?
Hiện Mỹ có trong tay bộ ba vũ khí hạt nhân chiến thuật là: Tên lửa hạt nhân phóng từ tàu ngầm, máy bay ném bom được trang bị bom H hay tên lửa hành trình có đầu đạn hạt nhân và các cơ sở phóng ICBM. Tuy nhiên, ngày càng nhiều quan chức quốc phòng, các nhà chiến lược quân sự Mỹ kêu gọi từ bỏ kho ICBM của nước này, trong đó có ông William Perry, cựu Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời Tổng thống Bill Clinton và ông Leon Panetta, cựu Bộ trưởng Quốc phòng thời Tổng thống Barack Obama.
Máy bay ném bom cần thời gian lâu hơn ICBM để đến mục tiêu nhưng có thể ngưng kế hoạch nếu bộ chỉ huy phát hiện “cảnh báo ma”. Tàu ngầm chở tên lửa hạt nhân có thể tiếp cận gần mục tiêu mà khó bị phát hiện, không có nguy cơ bị bắn phá trước khi khai hỏa như các cơ sở phóng ICBM. Ngoài ra, các ICBM sẽ vô dụng trong răn đe Triều Tiên vì yếu tố… nước Nga. Để bắn tới các đối thủ tiềm năng như Triều Tiên hay Iran, các ICBM của Mỹ phải bay qua lãnh thổ Nga và chịu rủi ro nhận phản ứng dữ dội, theo ông Bruce Blair.
Ý kiến muốn hủy bỏ ICBM nhiều nhưng đề nghị giữ lại cũng không ít. Trong số này có cựu Tổng thống Obama và giờ là Tổng thống Trump, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và phần đông nghị sĩ Mỹ. Hiện Hội đồng An ninh Quốc gia của nước này vẫn chưa hé lộ về tương lai của các cơ sở ICBM. Cuối năm nay sẽ là hạn chót cho việc xem xét lại chính sách hạt nhân của Mỹ theo chỉ đạo của Tổng thống Trump.
Nguy cơ sai lầm trong tấn công ICBM ở Nga cao hơn ở Mỹ, theo nhiều chuyên gia kiểm soát vũ khí. Trong khi Mỹ có tới 30 phút để đánh giá thông tin từ hệ thống cảnh báo sớm và bắn ICBM thì Nga chỉ có khoảng 15 phút. Lý do Mỹ có hệ thống vệ tinh cảnh báo sớm toàn diện, có thể phát hiện tên lửa Nga ngay sau khi chúng được phóng. Trong khi đó, sau chiến tranh lạnh, Nga không thay các vệ tinh cảnh báo sớm, chỉ mới bắt đầu thay gần đây sau khi chúng có dấu hiệu hỏng từ năm 2014. Ngoài ra Nga cũng dựa phần lớn vào hệ thống radar mặt đất vốn chỉ có thể phát hiện tên lửa khi nó xuất hiện. __________________________ 1.250 tỉ USD là kinh phí dự kiến cho chương trình hiện đại hóa tổng thể chương trình hạt nhân của Mỹ trong vòng 30 năm tới, trong đó có cả hạng mục ICBM. |