Triều Tiên rất có thể sẽ phát triển thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) có khả năng bắn tới đất Mỹ trong năm nay. Đây là nhận định của Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc (NIS) trong cuộc họp kín với Ủy ban Tình báo Quốc hội Hàn Quốc ngày 16-11, Reuters dẫn thông tin từ nghị sĩ Yi Wan-young, thành viên Ủy ban Tình báo Quốc hội Hàn Quốc.
Điểm vướng mắc hiện tại trong chương trình tên lửa đạn đạo của Triều Tiên là gì? Theo NIS, đó là về công nghệ tái nhập khí quyển sau khi đạt độ cao. Nếu không thể vượt qua điểm khó này, Triều Tiên sẽ không thể phát triển thành công ICBM.
Trong tháng 7 nước này 2 lần thử tên lửa ICBM Hwasong-14. 2 lần thử đều thành công, đặc biệt trong lần thứ 2 tên lửa Hwasong-14 đã cho thấy khả năng tiềm tàng có thể bắn tới bất kỳ khu vực nào của đất Mỹ.
Tên lửa ICBM Hwasong-14 của Triều Tiên trong một vụ thử cuối tháng 7. Ảnh: AP
Để đạt tới khả năng này, Hwasong-14 cần được trang bị công nghệ tái nhập khí quyển hiệu quả. Vì ở lần thử thứ 2, tên lửa Hwasong-14 dù bay vào không gian hoàn hảo nhưng động cơ trở lại khí quyển đã nổ tung từng mảnh khi tên lửa bay xuống trở lại trái đất.
Theo NIS, các lệnh trừng phạt quốc tế của Mỹ, EU, LHQ ...đã làm chậm rất nhiều tiến trình phát triển công nghệ trở lại khí quyển cho ICBM của Triều Tiên. Ngoài ra, không chỉ công nghệ trở lại khí quyển, Triều Tiên còn gặp khó khăn để hoàn thiện một số bộ phận khác của ICBM.
Triều Tiên đã không thử thêm tên lửa từ tháng 9 đến nay. Tuy nhiên NIS cho biết đang theo dõi sát sao quá trình phát triển ICBM của Triều Tiên và chắc chắn sẽ có thêm nhiều vụ thử.
“NIS đang theo dõi chặt diễn biến, vì có khả năng Triều Tiên sẽ có thêm một loạt thử tên lửa đạn đạo trong năm nay dưới hình thức thử vệ tinh, nhằm tăng đe dọa với Mỹ” – nghị sĩ Yi Wan-young nói với các nhà báo sau cuộc họp kín với NIS.
NIS cho rằng áp lực quân sự từ Mỹ - triển khai cùng lúc 3 tàu sân bay đến bán đảo Triều Tiên, đưa máy bay ném bom chiến lược quấy rối không phận Triều Tiên – là một lý do chính khiến Triều Tiên chần chừ thử tên lửa.
Cũng theo NIS, hiện chưa có dấu hiệu rõ ràng nào về việc Triều Tiên sẽ có thêm một lần thử hạt nhân nữa, dù bãi thử Punggye-ri của nước này luôn trong tình trạng sẵn sàng cho một vụ thử bất cứ lúc nào.