Báo Washington Post ngày 3-3 (giờ địa phương) dẫn nguồn tin từ người phát ngôn hạm đội Thái Bình Dương Clay Doss chính thức thông báo hải quân Mỹ đã điều động tàu sân bay USS John C. Stennis và các tàu hộ tống đến biển Đông.
Mỹ: Soái hạm đến Philippines
Người phát ngôn Clay Doss cho biết nhóm tác chiến tàu sân bay USS John C. Stennis chở theo cả ngàn binh sĩ lên đường từ bang Washington (bờ Tây nước Mỹ) ngày 15-1. Sau đó, nhóm tác chiến đã đến Tây Thái Bình Dương ngày 4-2 và qua eo biển Luzon vào biển Đông ngày 1-3.
Hộ tống tàu sân bay USS John C. Stennis có tàu tuần dương USS Mobile Bay cùng với hai tàu khu trục USS Stockdale và USS Chung-Hoon.
Người phát ngôn cho biết tàu khu trục USS Antietam (đồn trú ở Nhật) cũng đang tuần tra ở biển Đông trong chuyến công tác riêng.
Chưa rõ nhóm tác chiến tàu sân bay USS John C. Stennis hoàn tất tuần tra tự do hàng hải ở biển Đông khi nào.
Trong khi đó, tàu USS Blue Ridge (soái hạm của hạm đội 7) đồn trú ở Nhật đã có mặt trong khu vực và đang trên đường đến cảng Philippines.
Tuần trước, tàu tuần dương USS McCambell và tàu đổ bộ USS Ashland cũng đã hoàn tất tuần tra ở biển Đông.
Người phát ngôn Clay Doss giải thích về tăng cường sự hiện diện của tàu chiến Mỹ: “Tàu và máy bay của chúng tôi thường xuyên hoạt động ở Tây Thái Bình Dương từ nhiều thập niên, trong đó có biển Đông. Chỉ trong năm 2015, các tàu hạm đội Thái Bình Dương đã thực hiện tổng cộng khoảng 700 ngày công tác trên biển Đông”.
Báo Navy Times của hải quân Mỹ dẫn lời các chuyên gia nhận định hải quân Mỹ điều động nhóm tác chiến tàu sân bay USS John C. Stennis đến biển Đông là tín hiệu rõ ràng đối với Trung Quốc và khu vực.
Tàu sân bay USS John C. Stennis trên vùng biển Philippines hồi tháng 2-2016. Ảnh: HẢI QUÂN MỸ
Úc: Xem xét liên minh hải quân
Trong khi đó, ngày 4-3, báo The Sydney Morning Herald (Úc) đưa tin chính phủ Úc đang xem xét nỗ lực mới về thành lập liên minh hải quân không chính thức giữa bốn nước Mỹ, Úc, Nhật và Ấn Độ.
Đô đốc Harry Harris, tư lệnh bộ chỉ huy Thái Bình Dương, đã đưa ra đề nghị thành lập liên minh hải quân bốn nước tại cuộc hội thảo Đối thoại Raisina ở New Delhi (Ấn Độ) tối 2-3.
Trả lời báo chí Úc, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne đã thận trọng phát biểu: “Chính phủ Úc có nhiều cơ chế chính thức và không chính thức để tham vấn các đối tác thân cận. Chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận các cơ chế mới về tham vấn”.
Bà Marise Payne lưu ý: “Như Sách trắng quốc phòng Úc đã nêu, an ninh và thịnh vượng của Úc gắn liền trực tiếp với tình hình ổn định khu vực và việc duy trì một trật tự thế giới dựa trên các luật lệ ổn định”.
Tuy nhiên, hôm trước đó, Ngoại trưởng Úc Bob Carr phát biểu trên đài truyền hình ABC rằng Úc tham gia liên minh hải quân bốn bên là một chiến lược mang lại nhiều rủi ro.
Ông biện bạch rằng giả định Úc tham gia tuần tra cùng với tàu Mỹ và đi vào khu vực 12 hải lý quanh các đảo Trung Quốc đã chiếm chủ quyền, sau đó Trung Quốc mượn cớ để tiếp tục gia tăng quân sự hóa hơn nữa, lúc đó Úc sẽ phải làm gì?
Ngày 4-3, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Úc Kevin Andrews nhận xét: “Quy trình bốn bên như thế (liên minh hải quân) sẽ giúp ích rất nhiều cho tình hình hàng hải ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.
Tuần trước, cựu Thủ tướng Tony Abbott cũng đã kêu gọi Úc nên sẵn sàng thực thi quyền tự do hàng hải ở biển Đông vì Trung Quốc “không chia sẻ cùng một giá trị với Úc”.
- Báo South China Morning Post (Hong Kong) đưa tin tại cuộc họp báo trước kỳ họp thứ tư Đại hội Đại biểu Nhân dân Trung Quốc khóa 12 ở Bắc Kinh ngày 4-3, phóng viên đài truyền hình CBS (Mỹ) đã hỏi về vấn đề Trung Quốc xây dựng cơ sở quân sự trên các đảo và đá ở biển Đông. Người phát ngôn của kỳ họp Phó Oánh trả lời theo chiến lược xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ đã triển khai phần lớn hải quân đến khu vực này đồng thời cùng các đồng minh củng cố sự hiện diện quân sự, do đó chính Mỹ đã tiến hành quân sự hóa ở biển Đông. Bà đổ lỗi Mỹ không tham gia tranh chấp ở biển Đông nhưng hành động và lời nói của Mỹ đã làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Bà ngụy biện rằng các dự án xây dựng các đảo và đá của Trung Quốc ở biển Đông là cần thiết, các đảo và đá này ở xa đất liền nên cần củng cố khả năng phòng thủ và như vậy không thể gọi là quân sự hóa(?). - Báo New York Times đưa tin bà Phó Oánh thông báo Trung Quốc sẽ tăng ngân sách quốc phòng năm 2016 từ 7% đến 8%. Ngân sách quốc phòng Trung Quốc năm 2015 là 886,9 tỉ nhân dân tệ (141,4 tỉ USD), tăng 10,1% còn năm 2014 đã tăng 12,2%. Lầu Năm Góc đánh giá từ giữa năm 2005 đến năm 2014, ngân sách quốc phòng Trung Quốc tăng trung bình 9,5%/năm. Các nhà phân tích cho rằng ngân sách quốc phòng thực tế của Trung Quốc cao hơn con số công bố. Chuyên gia Mỹ Dennis J. Blasko nhận định Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng năm 2016 ở một chữ số để chi tiêu quốc phòng phù hợp với GDP giảm và lạm phát. Chuyên gia Bonji Obara, nguyên tùy viên quân sự đại sứ quán Nhật ở Bắc Kinh, nhận định: Ngân sách quốc phòng Trung Quốc tăng ít vì GDP hai chữ số không còn nữa. __________________________________ Rõ ràng hải quân và Bộ Quốc phòng Mỹ muốn chứng tỏ cam kết về sự hiện diện và thực thi tự do hàng hải trong khu vực. Với nhóm tác chiến tàu sân bay và soái hạm, hải quân Mỹ chứng tỏ tầm quan trọng của lợi ích Mỹ và năng lực triển khai sự hiện diện và sức mạnh khắp thế giới. Chuyên gia JERRY HENDRIX (Trung tâm Vì an ninh Mỹ mới) |