GS Chu Shulong, Giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quốc tế tại ĐH Thanh Hoa (Bắc Kinh), nói với IHS Jane's hôm 28-1 rằng việc triển khai có thể sẽ diễn ra khi tàu sân bay thứ hai của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) được đóng xong.
"Đối với biển Bắc, biển Hoàng Hải và biển Hoa Đông, Trung Quốc không cần dùng tàu sân bay tuần tra. Tàu từ lục địa Trung Quốc có khả năng tiếp cận nhanh những nơi như quần đảo Điếu Ngư (Nhật gọi là Senkaku)" - ông Chu cho biết khi đề cập đến tranh chấp chủ quyền giữa Trung-Nhật quanh quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.
Tuy nhiên, ông nói với IHS Jane's rằng không thể làm điều tương tự đối với biển Đông. "Nếu Mỹ đưa tàu và máy bay của họ tới biển Đông, Trung Quốc hiện không có đủ năng lực để đối phó với một thách thức như vậy" - ông Chu cho biết.
Ông nói thêm rằng các chiến đấu cơ Trung Quốc sẽ mất khoảng một giờ để bay từ căn cứ không quân gần nhất trên đảo Hải Nam tới các khu vực phía Nam của biển Đông.
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc. (Ảnh: Sina)
Vị học giả biện bạch rằng hoạt động tự do hàng hải của Hải quân Mỹ, đáng chú ý là vụ một tàu khu trục của Mỹ tiến hành áp sát một trong các đảo nhân tạo Bắc Kinh xây dựng (trái phép) ở biển Đông hồi tháng 10-2015, đã thuyết phục các nhà lãnh đạo quân sự của Trung Quốc rằng việc triển khai một tàu sân bay ở biển Đông là cần thiết trong tương lai gần.
Trung Quốc hiện đang đóng tàu sân bay thứ hai tại xưởng đóng tàu Đại Liên ở tỉnh Liêu Ninh. Đây là tàu sân bay nội địa đầu tiên do Trung Quốc tự đóng. Hiện Trung Quốc sở hữu một tàu sân bay duy nhất là tàu sân bay Liêu Ninh, tàu từ thời Liên Xô mà Bắc Kinh mua từ Ukraine hồi năm 1998 và cho tân trang lại.
Trước đó, hôm 27-1, chỉ huy Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ, Đô đốc Harry Harris cho biết Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động tự do hàng hải ở biển Đông như là một động thái để thách các tuyên bố chủ quyền vô lý của Trung Quốc ở biển Đông.